Xã hội

Yêu cầu xử nghiêm vụ tàu vỏ thép kém chất lượng

22/09/2017, 06:39

Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật...

tau-vo-thep

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới đóng đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. 

Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đa số các đại biểu đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát và cho rằng, việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng được chỉ ra, trong đó, các mô hình tổ chức sản xuất trên biển chưa có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ biển; Nhiều hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy hải sản còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu đồng bộ. Các chính sách về tín dụng cho phát triển kinh tế biển vẫn còn những hạn chế, bất cập. Có lúc, có nơi chỉ coi trọng đến phát triển kinh tế biển mà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các hoạt động đánh bắt hải sản theo kiểu hủy diệt môi trường, hủy diệt nguồn lợi thủy sản vẫn xảy ra...

Từ phân tích, nhận định như trên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tăng cường, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong các hoạt động kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngư dân có vai trò rất quan trọng, vì thế, ông đề nghị Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển. Ông Giàu cũng đề nghị cần quan tâm, xử lý thật sự nghiêm minh những hành vi gây phương hại, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và ngư dân mà điển hình là vụ đóng tàu vỏ thép kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận, xã hội vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc nắm tình hình kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển; tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển; xử lý kiên quyết tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trên biển, tàu cá nước ngoài xâm phạm khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Báo cáo cần có các kiến nghị cụ thể hơn về yêu cầu bức thiết xây dựng các chế tài đủ mạnh trong xử lý các hành vi đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt môi trường và nguồn lợi để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ngành kinh tế biển - một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ thêm nội dung về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trước những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.