Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức theo chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Cấn Văn Lực, đại diện Nhóm nghiên cứu Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề xuất về các gói chính sách tài khóa, tiền tệ và một số chính sách mới.
Trong đó, đáng chú ý có gói đầu tư cho hạ tầng, trọng điểm là hạ tầng giao thông trị giá 150 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu không có một chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt, chúng ta sẽ lỡ nhịp phục hồi, phát triển kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực
Nhóm nghiên cứu có đề xuất về các gói chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó có gói dành cho cơ sở hạ tầng. Vậy, những lĩnh vực, dự án nào sẽ được ưu tiên nếu như có gói này?
Trong 4 gói hỗ trợ thành phần có gói chính sách tài khóa là lớn nhất, có thể chiếm 4,71% GDP, tương đương 383.200 tỷ đồng.
Trong gói tài khóa này, chính sách đầu tư cơ sơ hạ tầng được Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh và cũng là giải pháp chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất.
Với gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì Nhóm nghiên cứu đề xuất quy mô khoảng 150 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,84% GDP), thực hiện trong hai năm 2022 và 2023.
Cơ bản đây được coi là một gói đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông sẽ là trọng điểm.
Thứ hai là để hấp thụ hết thì phải tập trung vào các dự án với một số tiêu chí như: Dự án phải có tính liên kết vùng; dự án trọng điểm, có tính lan tỏa...
Cơ bản đó phải là những dự án nằm trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư, sẵn sàng hấp thụ vốn, giải ngân được ngay.
Hoặc có thể là những dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời cần bổ sung, bao gồm cả vốn đối ứng cho những dự án nguồn ODA… Nhóm đã nghiên cứu và đưa ra những tiêu chí rất cụ thể như vậy.
Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt thấp khiến Chính phủ rất sốt ruột, thậm chí có không ít nơi còn xin trả lại vốn những dự án không thể giải ngân được do yếu tố dịch bệnh. Nhóm nghiên cứu có tính đến thực tế này chưa?
Số tiền 150 nghìn tỷ đồng này đã được Nhóm nghiên cứu rà soát, tính toán trên cơ sở những dự án thực tế và cụ thể, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam.
Hay một số dự án gắn với giải phóng mặt bằng cho Vành đai 2 trong TP.HCM và Vành đai 3,5 tại Hà Nội…
Đó là những dự án cơ bản đã có sẵn, chỉ vướng ở khâu vốn thôi, nên nếu chọn những dự án đó thì hoàn toàn có thể hấp thụ được ngay.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán kỹ, những dự án này chỉ cần giải quyết một số vướng mắc nhỏ để tiến hành mà thôi.
Đầu tư công trình hạ tầng giao thông luôn cần nguồn vốn rất lớn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Số lượng cụ thể các dự án này là bao nhiêu, thưa ông?
Danh sách, số lượng dự án cụ thể đang được Chính phủ xem xét trên cơ sở căn cứ đề xuất từ phía Bộ GTVT.
Trong đó có thể kể đến 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, trong đó có ba dự án cấu phần rất quan trọng cần phải thúc đẩy tiến độ thời gian tới. Nếu đưa vốn từ gói này vào thì sẽ hấp thụ được ngay.
Với những đề xuất cụ thể như vậy, Nhóm nghiên cứu đã tính tới việc huy động nguồn lực như thế nào, trong bối cảnh ngân sách hiện đang rất khó khăn?
Nguồn vốn dành cho cả gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ lần này đã được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng gồm: Vay nợ với thâm hụt khoảng 2% trong hai năm 2022 và 2023.
Cùng với đó là huy động thêm từ việc tiết giảm chi phí, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước; Phát hành Trái phiếu Chính phủ; rà soát lại các quỹ ngoài ngân sách. Ngoài ra, có thể sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần thiết.
Nếu thực hiện gói hỗ trợ trên, nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng thêm 0,17% năm 2022 và 0,34% năm 2023 (không tính các nghĩa vụ bất thường khác nếu có).
Khi góp ý cho gói chính sách, có chuyên gia đề xuất nên dành một phần giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay như hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị hoặc vấn đề chiến lược lâu dài như hạ tầng phát triển kinh tế biển... Quan điểm của ông thế nào?
Trong 150 nghìn tỷ đồng, ngoài dự án cao tốc Bắc - Nam cũng có một phần cho cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu.
Còn với đề xuất dành cho đường sắt đô thị hay hạ tầng để phát triển kinh tế biển, hoặc tuyến đường ven biển thì theo quan điểm của tôi, đó là bài toán lâu dài.
Nó sẽ nằm trong chương trình đầu tư công tổng thể hiện nay, sẽ là kế hoạch trung, dài hạn. Bởi, như hạ tầng phát triển kinh tế biển không phải trong 1 hay 2 năm tới là làm ngay được.
Với gói 150 nghìn tỷ đồng này, Nhóm nghiên cứu đã rà soát tương đối cụ thể đến từng dự án và đánh giá là thực hiện tương đối khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Với hạ tầng giao thông cần rất nhiều vốn thì trong 2 năm, mỗi năm khoảng 75.000 tỷ đồng cũng không phải con số quá lớn.
Kỳ vọng của Nhóm nghiên cứu về tính lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ra sao nếu như 150 nghìn tỷ đồng này được chấp thuận và sớm giải ngân?
Thứ nhất là vì đây là những dự án trọng điểm nên mức độ lan tỏa, xúc tác thu hút thêm các nguồn vốn khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là thúc đẩy giải ngân đầu tư công tốt và hiệu quả hơn, qua đó đóng góp cho tăng trưởng ở địa phương có dự án và cả nước.
Còn về lâu dài, rõ ràng cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển nhanh và tốt hơn thì đó là nền tảng tốt để phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và lâu dài.
Tôi lấy ví dụ như Hải Phòng hay Quảng Ninh thời gian qua, họ đã có nhiều đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông, đến nay đã mang lại những kết quả rõ rệt, giúp họ trở thành những địa phương năng động nhất cả nước.
Còn với đầu tư công giai đoạn tới thì Nhóm đã tính toán trên cơ sở tham khảo từ Tổng cục Thống kê và cho thấy, cứ mỗi 1% giải ngân đầu tư công tăng thêm thì đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 0,06%.
Ông có lưu ý thêm khi tiến hành giải ngân gói đầu tư này?
Đương nhiên đây là gói chính sách quan trọng và không thể thành công nếu không có sự đồng bộ với các chính sách kinh tế khác.
Ví dụ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình đầu tư công mà chúng ta đang tiến hành… Không phải vì gói đầu tư này mà ta xao lãng những việc khác.
Bên cạnh đó, phải chú trọng cải cách thể chế, đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đấu thầu…
Nếu các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này không được cải thiện thì chúng ta lại đi vào lối mòn cũ.
Trong đầu tư công, bên cạnh đảm bảo tiến độ thì vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng. Không phải cố giải ngân, chạy theo tiến độ mà xao lãng yếu tố chất lượng.
Cảm ơn ông!
PGS.TS. Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam):
Cấp thiết nối thông cao tốc, nâng cấp quốc lộ
Hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra. Giai đoạn trước mắt khi chúng ta chưa thể phát triển đồng bộ giao thông thủy, đường sắt, hàng không thì phát triển kết cấu giao thông đường bộ vẫn là nhiệm vụ chủ chốt.
Trong đó, huyết mạch chính của hệ thống giao thông đường bộ mà chúng ta đang phấn đấu hoàn thành để tăng tốc nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước chính là mạng lưới đường cao tốc.
Các tuyến cao tốc cần được ưu tiên nguồn vốn đầu tư dứt điểm, tạo mạng lưới kết nối xuyên suốt, đồng bộ, không thể đầu tư nửa vời. Ví dụ, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn phải được kéo dài đến Hữu Nghị Quan chứ nếu chỉ đến Chi Lăng thì sẽ khó phát huy hết hiệu quả.
Giống như vừa qua, chúng ta đã rất thành công khi nối một mạch đường cao tốc từ Hà Nội đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái, hình thành một tuyến đường huyết mạch, tạo động lực phát triển kinh tế.
Hệ thống quốc lộ hiện nay cũng chưa có được sự đầu tư đúng mức. Bên cạnh việc nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu, nguồn vốn cũng cần được ưu tiên khắc phục sớm những nguyên nhân tình trạng ngập lụt, phá vỡ rất nhanh hệ thống đường. Đặc biệt là tuyến QL1 dọc tuyến miền Trung phải tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước, tránh tình trạng ngập lụt gây hư hỏng mặt đường.
Ông Lê Đỗ Mười (Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT):
Ưu tiên công trình tạo sự lan tỏa
Hậu Covid-19, nền kinh tế rất cần gói kích cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên phát triển các trục đường bộ cao tốc và các công trình đã được xác định trong Nghị quyết T.Ư Đảng khóa 13.
Tổng số vốn đầu tư công trung hạn bố trí cho ngành ngành GTVT đạt khoảng 70% so với nhu cầu trong giai đoạn 2021 - 2025 đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đưa giao thông đi trước một bước để thúc đẩy KT-XH.
Với ngành giao thông, nguồn vốn được đầu tư càng nhiều càng tốt, nhất là những công trình mang tính chất lan tỏa và đột phá, kết nối liên vùng và kết nối vùng.
Về đường bộ, mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư nối thông trục xương sống cao tốc Bắc - Nam thì nguồn vốn cũng cần được ưu tiến hoàn thiện các vành đai đô thị, đặc biệt là Vành đai 3, 4, 5 Hà Nội; TP.HCM là Vành đai 2,3,4 để giải tỏa ách tắc đô thị và tăng tốc độ giải phóng hàng khu vực cảng biển.
Tiếp đó, nguồn vốn có thể ưu tiên phân bổ đầu tư các trục nối cửa khẩu Campuchia với ĐBSCL, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và một số đoạn của cao tốc nhánh Tây kết nối Tây Nguyên.
Đối với hạ tầng cảng biển, khu vực phía Bắc cần ưu tiên phát triển hạ tầng khu vực cảng biển Hải Phòng, trọng tâm là cảng biển Lạch Huyện, cảng biển Nam Đồ Sơn; Khu vực miền Trung là các cảng biển phục vụ các cụm công nghiệp lớn như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Vân Phong. Ở vùng Đông Nam bộ là cảng biển Cái Mép - Thị Vải và cảng nước sâu Trần Đề...
Ngoài ra, hạ tầng đường thủy nội địa cũng cần được quan tâm như mở rộng kênh Chợ Gạo, nâng tĩnh không một số cầu trên các tuyến kênh lớn để vận tải thủy có thể phát triển mạng lưới, san sẻ hàng hóa, giảm tải áp lực cho đường bộ.
Ông Phạm Hữu Sơn (Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI):
Đầu tư hạ tầng tạo động lực
Gói kích cầu phát triển kinh tế hậu Covid-19 cần ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng giao thông vào những vùng có tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng lớn; Đồng thời, nguồn vốn cũng cần ưu tiên đầu tư hạ tầng nhằm giải quyết ách tắc giao thông, cản trở sự phát triển KT-XH của các địa phương, góp phần kéo giảm chi phí logistics.
Ngoài ra, việc ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ mục tiêu cân đối vùng miền cũng cần được xem xét.
Một số dự án đường bộ cần xem xét, ưu tiên nguồn vốn như: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cầu Đại Ngãi; Tuyến lên Tây Bắc (từ Hòa Bình đến Mộc Châu cũng là một hướng tuyến cao tốc trong tương lai). Bên cạnh đó, còn có các tuyến ven biển, tuyến kết nối vùng.
Nam Khánh (Ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận