Thị trường

20 chuyên gia "mổ xẻ" vướng mắc, cùng Bộ Công thương bàn chính sách điện khí, điện gió

25/12/2023, 20:30

Ngày 25/12, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về kế hoạch phát triển các dự án điện khí, điện gió theo Quy hoạch điện VIII và góp ý cho dự thảo chiến lược sản xuất hydrogen.

Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, có sự tham gia của hơn 20 chuyên gia đầu ngành và đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan nhằm mổ xẻ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện để có thể thực hiện mục tiêu mà kế hoạch Quy hoạch điện VIII đề ra.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt các nguồn điện đến năm 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW, tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

20 chuyên gia "mổ xẻ" vướng mắc, giúp Bộ Công thương làm cơ chế điện LNG, gió ngoài khơi - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhưng vẫn vướng cơ chế.

Thời gian gấp, thiếu cơ chế thực thi

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho biết thực tế triển khai dự án điện khí bao gồm các khâu như lựa chọn nhà đầu tư; Lập, phê duyệt nghiên cứu khả thi (FS); Đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng… phải mất 7-8 năm. Còn với dự án điện gió ngoài khơi cũng mất khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát.

Do đó, ông Dũng cho rằng việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.

Đại diện phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong cho biết chúng ta chưa có chính sách về tài chính, chưa có cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... "Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện… Tất cả các vướng mắc trên là nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí", ông Phong nói.

Còn với điện gió ngoài khơi, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ chỉ đạo giao tập đoàn Nhà nước nghiên cứu là thí điểm nhưng theo ông Hùng, PVN hoàn toàn làm được do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi. Vướng mắc của nguồn điện này vẫn là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch; Chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt…

Chuyên gia hiến kế gì?

Các chuyên gia nhận định vướng mắc chung do liên quan đến rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực… và liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền xử lý của nhiều bộ, ngành, địa phương.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, vì thế, cần có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như "thời chiến".

Trước tiên, ông Doanh đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn. Ông cũng kiến nghị Bộ Công thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm.

20 chuyên gia "mổ xẻ" vướng mắc, giúp Bộ Công thương làm cơ chế điện LNG, gió ngoài khơi - Ảnh 2.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cũng cho rằng vướng mắc đầu tiên cần bàn là giá điện.

Nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.

"Chúng ta phải xác định rõ, nếu áp dụng như vậy thì 2 vấn đề sẽ xảy ra, đó là EVN thua lỗ và phá sản, hoặc Nhà nước phải cấp bù phần giá chênh, hoặc phải có chính sách giảm thuế, giảm phí… làm sao để đảm bảo EVN không bị lỗ do giá bán thấp hơn giá mua. Phải có chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Đầu vào thị trường, đầu ra Nhà nước nói không tăng giá thì muôn đời không làm được. Do vậy, tôi đề nghị sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió", ông Thỏa nói.

20 chuyên gia "mổ xẻ" vướng mắc, giúp Bộ Công thương làm cơ chế điện LNG, gió ngoài khơi - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần trao quyền nhiều hơn, rõ hơn cho các cấp thẩm quyền. Bởi vì dự án điện khí hay điện gió ngoài khơi cần đầu tư rất lớn, chưa kể điện gió ngoài khơi làm ở vùng biển… nên nếu không rõ thẩm quyền bộ hay Chính phủ cấp phép đầu tư sẽ không ai làm được. Chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Trước việc Việt Nam đang thu hút phát triển kinh tế số, công nghệ điện tử bán dẫn, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, nhấn mạnh yêu cầu có nguồn điện ổn định. Do đó, ông Sơn kiến nghị cơ chế chính sách cần thể hiện cam kết với nhà đầu tư.

Để tháo gỡ một cách nhanh nhất, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, góp ý cần lập nhóm chuyên gia của các bộ, ngành rà soát chính sách liên ngành cùng với các chuyên gia độc lập để có đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất với quan điểm không xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.