Thị trường

24 dự án muốn mua bán điện “sạch” không qua EVN

27/10/2023, 07:00

Ngoài ra, 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng.

26 dự án không có nhu cầu tham gia

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. 

Bộ Công thương cho biết tháng 5/2022, Bộ Công thương đã yêu cầu tư vấn quốc tế khảo sát đánh giá mức độ quan tâm của các đơn vị, tổ chức đối với các cập nhật cơ chế mua bán điện trực tiếp và chương trình thí điểm tại Việt Nam.

24 dự án muốn mua bán điện “sạch” không qua EVN - Ảnh 1.

Dự án điện gió, điện mặt trời có công suất đặt 30MW trở lên được tham gia cơ chế DPPA.

Theo đó, tư vấn quốc tế đã gửi phiếu khảo sát tới 95 dự án điện gió, điện mặt trời có công suất đặt 30MW trở lên. Trong 67 dự án phản hồi, có 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia thí điểm DPPA; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) đang cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng. 26 dự án còn lại không có nhu cầu tham gia.

Ngoài ra, sau khi sàng lọc, tư vấn đã gửi phiếu khảo sát tới 41 khách hàng, trong đó có 24 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 1.125 MW (ước tính).

Trước đó, từ tháng 1/2020 đến nay, Bộ Công thương đã nhiều lần báo cáo trình Chính phủ để ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp nhưng có một số thay đổi về đề xuất hình thức văn bản triển khai cơ chế. Ban đầu, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp dưới hình thức thông tư, sau chuyển thành quyết định của Thủ tướng. Tại báo cáo mới nhất, hình thức văn bản được chuyển thành nghị định của Chính phủ.

Chờ ban hành nghị định mới

Theo Bộ Công thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ hướng dẫn các đơn vị theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Song cơ chế mua bán điện trực tiếp trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối. Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo.

Mua điện “sạch” không qua EVN: 24 doanh nghiệp muốn tham gia, vẫn chờ Nghị định - Ảnh 2.

Một dự án điện mặt trời ở Việt Nam.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Công thương đưa ra 2 phương án về hình thức ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp

Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp vào Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế này sẽ phụ thuộc vào thời hạn ban hành và hiệu lực thi hành của Luật Điện lực sửa đổi. Hiện nay, Luật Điện lực đang trong quá trình đề xuất sửa đổi (dự kiến ban hành năm 2025, dự kiến hiệu lực năm 2026).

Phương án 2: Thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trường hợp Điều 70 Luật Điện lực không đáp ứng là căn cứ để ban hành nghị định của Chính phủ, có thể cân nhắc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi xem xét chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.

Bộ Công thương cho biết cũng đã làm việc và phối hợp với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 để đề nghị đưa vào nghị quyết nội dung giao Chính phủ quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng lớn.

Cơ chế chậm ban hành, Bộ Công thương cần rút kinh nghiệm

Mới đây, kết luận cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thủ tướng cũng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương thực hiện nhưng đến nay cơ chế, chính sách này vẫn chậm được ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhiệm vụ. Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chủ động, phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát chuyên đề nội dung này.

Phê duyệt đầu tư đường dây 500kV 'cứu điện' miền BắcPhê duyệt đầu tư đường dây 500kV "cứu điện" miền Bắc

Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.