Showbiz

25 cuộc thi hoa hậu, Cục NTBD khẳng định "con số này là không nhiều"

28/07/2022, 17:31

Ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục NTBD thông tin, năm nay có 25 cuộc thi được cấp phép, nhưng "con số này không nhiều".

25 cuộc thi nhan sắc là không nhiều

Sau khi Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm, năm 2022 chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có trong lịch sử về số lượng các cuộc thi nhan sắc.

img

Dàn thí sinh Miss World Vietnam 2022

Nghị định này cũng quy định, việc tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được trung ương phân cấp về chính quyền địa phương quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) khẳng định: "Điều đó không có nghĩa là Cục buông xuôi việc quản lý hoạt động này"

Ông Trần Hướng Dương thông tin, theo thống kê, năm nay có 25 cuộc thi được đăng ký và các Sở chấp thuận tổ chức.

Riêng Đà Nẵng chấp thuận thông báo 12/25 cuộc thi, chiếm 48%. Trong tổng số 25 cuộc thi, có 3 cuộc thi xin dừng tổ chức, 8 cuộc thi dự kiến tổ chức từ năm 2021 nhưng lùi lại đến năm nay.

"Như vậy, năm nay chỉ còn 14 cuộc thi được đăng ký tổ chức, con số này không nhiều. Tần suất các cuộc thi diễn ra khá dày nhưng nhìn lại sau khi đại dịch, các hoạt động đồng loạt tổ chức là điều dễ hiểu", ông Dương khẳng định.

Trước những ồn ào liên quan đến các cuộc thi nhan sắc trong thời gian qua, ông Trần Hướng Dương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các Sở VH,TT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao... các tỉnh, thành phố trên cả nước xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong việc thực hiện triển khai văn bản quy phạm pháp luật trong các hoạt động này.

Cùng với đó, Cục có yêu cầu các Sở khi chấp thuận cho cuộc thi nhan sắc tổ chức phải thông báo, đăng trên cổng thông tin và gửi thông tin về Cục vào ngày 25 hàng tháng, từ đó Cục tổng hợp và đăng tải công khai trên cổng thông tin của Cục để tránh sơ xuất không đáng có.

Giới chuyên môn nói gì?

Nhìn vào thực trạng các cuộc thi nhan sắc "như nấm mọc sau mưa", nhà thơ Dương Kỳ Anh - người khai sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khẳng định với Báo Giao thông rằng:

"Tôi thấy hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng Hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và gây ra những hiểu lầm với công chúng trong thời gian gần đây.

Các cuộc thi nên có những quy định rõ danh hiệu, danh xưng: Cuộc thi nào cấp quốc gia mới gọi là Hoa hậu, còn cuộc thi cấp tỉnh thì nên gọi là Hoa khôi, cuộc thi cấp ngành nên nên gọi là người đẹp… Cuộc thi nào cũng gọi là Hoa hậu thì sẽ loạn danh xưng, đừng kiểu “ra ngõ gặp hoa hậu” như thời gian qua".

img

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

Ông Dương Kỳ Anh cũng lưu ý rằng, Nghị định 144/2020/NĐ - CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật không sai, nhưng cần có hậu kiểm. Đặc biệt cần xử phạt thật nặng, thậm chí cấm tổ chức, tước vương miện với những trường hợp tổ chức sai phạm, gây tranh cãi.

Ngoài ra, cần quy định, những đơn vị nào mới được cấp phép biểu diễn các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, không phải ai cũng có quyền cấp phép.

Theo ông Dương Kỳ Anh, các đơn vị quản lý về văn hoá, các cơ quan liên quan đến văn hoá phải am hiểu văn hoá và phải có kinh nghiệm, kinh phí, phải tôn vinh cái đẹp lên hàng đầu mới có thể là đơn vị được cấp phép tổ chức… chứ không phải để “loạn” như thời gian qua.

Trong khi đó, ông Trần Việt Bảo Hoàng - Phó ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lạc quan cho rằng, đúng là việc có quá nhiều hoa hậu sẽ khiến chúng ta dễ bị loạn danh xưng và mất dần đi giá trị của danh hiệu cao quý này.

"Song, chúng ta cũng không nên quá lo ngại. Hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi", ông Hoàng nhấn mạnh.

"Cho dù có bao nhiêu cuộc thi chăng nữa thì những cuộc thi uy tín, hoa hậu xứng đáng thì mới được khán giả nhớ tới và tồn tại lâu dài. Lúc này, bài toán duy trì cuộc thi và tạo sự uy tín lại quay trở lại điểm xuất phát, đó chính là đơn vị tổ chức", ông Bảo Hoàng bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban Tổ chức Hoa hậu Thế giới Việt Nam cho rằng, chúng ta hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội sẽ phát triển, cuộc thi nào kém chất lượng, tự thân sẽ bị “đào thải”.

“Bởi sau cùng, những nhan sắc tạo ra giá trị cho cộng đồng sẽ được quan tâm, còn những người theo chủ nghĩa cá nhân, không mang ý nghĩa gì cho xã hội thường không được chú ý”, bà Kim Dung nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.