Xã hội

300 tấn cá chết nổi trắng sông ở Hải Dương: Nguồn nước có gì bất thường?

08/04/2024, 15:52

UBND tỉnh Hải Dương vừa giao các cơ quan chức năng khẩn trương xác định nguyên nhân gây chết cá lồng, trong đó có rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.

Tập trung khắc phục, làm rõ nguyên nhân

Liên quan đến việc khoảng 300 tấn cá lồng chết bất thường khiến người dân thiệt hại lớn, ngày 8/4, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố việc tập trung khắc phục và xác định nguyên nhân.

300 tấn cá chết nổi trắng sông ở Hải Dương: Nguồn nước có gì bất thường?- Ảnh 1.

Cá chết chủ yếu là cá chép, lăng, diêu hồng, có trọng lượng từ 3 - 7kg/con.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; thông báo kết quả quan trắc hàng ngày đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố, thị xã để thông tin tới người nuôi cá lồng biết.

300 tấn cá chết nổi trắng sông ở Hải Dương: Nguồn nước có gì bất thường?- Ảnh 2.

Lực lượng môi trường vớt cá chết trên sông Sặt.

UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.

UBND huyện, thành phố, thị xã rà soát, theo dõi đánh giá hoạt động nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông, thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng ngày tới người nuôi cá lồng.

Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.

Chất lượng nguồn nước thế nào?

Được biết, sông Thái Bình là nguồn nước khai thác đầu vào của Nhà máy nước sạch thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương. Việc cá chết bất thường khiến người dân lo ngại về nguồn nước tại đây.

Thông tin từ ông Vũ Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương khi trao đổi với PV cho biết, đang cho các cán bộ công ty theo dõi, kiểm tra.

"Chúng tôi cho kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên. Sau khi có sự cố cá lồng chết trên sông Thái Bình, chúng tôi đều phải theo dõi và lấy mẫu xem có đạt tiêu chuẩn hay không. Cơ bản cũng không ảnh hưởng gì và hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi tiếp", ông Dũng cho biết.

Trong báo cáo thường niên ngày 6/3, Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, mục tiêu của công ty là đảm bảo an ninh nước sạch, sản xuất và cung cấp nước an toàn, tiến đến cấp nước an toàn với chất lượng và dịch vụ hoàn hảo.

Tuy nhiên, một trong những rủi ro cũng được Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương nêu rõ. Đó là trong quá trình mở rộng sản xuất, công ty có thể chịu rủi ro về chất lượng nguồn nước khai thác. Hiện nay, nguồn nước ngầm đã bị xâm thực mặn do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nguồn nước mặt chịu rủi ro ô nhiễm lớn từ nước thải và công nghiệp ngày càng gia tăng do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cho biết, cá chết trong đợt nóng đầu hè. Theo thống kê sơ bộ, hơn 300 tấn cá nuôi đã chết. Hiện tượng này xảy ra tập trung ở TP Hải Dương, TP Chí Linh, huyện Nam Sách, Tứ Kỳ trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy.

"Đến nay thời tiết dịu, hiện tượng cá chết có giảm. Lực lượng chức năng vẫn  huy động nhân lực, vật lực để vớt xác cá, tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước", vị đại diện cho biết.

Trước hiện tượng cá chết bất thường, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.

Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.

Liên quan đến việc khoảng 50 hộ dân nuôi cá lồng ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị thiệt hại nặng do cá chết, lãnh đạo xã này đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của các hộ chăn nuôi, động viên bà con khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực tiêu thụ nhanh chóng số cá còn lại để giảm thiệt hại.

Bên cạnh đó, huy động nhân lực hỗ trợ người dân thu gom cá mang đi xử lý để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.