Xã hội

"Thành phố trong thành phố" ở Thủ đô: Cơ chế nào để vận hành thực chất?

04/03/2022, 10:45

Các chuyên gia cho rằng, để mô hình "thành phố trong thành phố" được vận hành theo đúng nghĩa, phát huy thế lợi thế thì cần có cơ chế phù hợp.

Dự kiến sẽ có 4 "thành phố trong thành phố"

Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đồng thời đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050.

Tờ trình đã nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình "Thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.img

Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình "Thành phố trong thành phố"

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4, phát triển đô thị 2 bên đường Vành đai 4 nhằm tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời, nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam TP Hà Nội.

Định hướng điều chỉnh quy hoạch sẽ bao gồm hạn chế dân số nội đô, giảm dân số 4 quận nội thành. Đặc biệt là nghiên cứu mô hình "thành phố trong thành phố" tại các khu vực, phía Bắc có huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía Tây có thành phố mới Hòa Lạc và mô hình "thị xã trong thành phố" trên cơ sở sáp nhập một số huyện.

Trục sông Hồng sẽ được tập trung khai thác làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ.

Đảm bảo được thành phố có thể "tự chủ"

Bàn về nội dung này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hà Nội đang làm điều chỉnh quy hoạch chung trong điều kiện có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, Hà Nội có bài học từ những ưu điểm và hạn chế của 10 năm thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng khoa học 4.0 với rất nhiều công nghệ tiên tiến, từ đó Hà Nội có điều kiện xây dựng đô thị thông minh với hạ tầng tiên tiến. Muốn làm được điều đó, Hà Nội cần đưa "tư tưởng thông minh" từ ngay trong quy hoạch.

img

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Về những lưu ý trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch lần này của Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, cần phải rà soát lại toàn bộ những điều mà chưa làm được trong 10 năm thực hiện quy hoạch trước đây.

"Việc có những đô thị quanh các tuyến đường lớn từ đó hạn chế, và hút dân số từ 4 quận nội thành ra là điều hết sức đúng đắn. Nhưng cần phải tính toán khả năng nào để di dân ra? Tại sao chủ trương của chúng ta hơn 20 năm qua đưa dân ra khỏi các quận nội thành nhưng vẫn chưa thực hiện được là bao? Phải trả lời được những câu hỏi đó", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, thời gian qua, Hà Nội cũng tạo ra được một số đô thị vệ tinh (ngoại thành), nhưng các khu đó dường như chỉ để "ngủ" chứ không phải đô thị theo đúng nghĩa.

"Họ vẫn phải vào trung tâm thành phố đi làm, chỉ có tối về nhà thì mới trở về ngoại thành. Chưa kể còn rất nhiều khu đô thị bỏ hoang, không thu hút được dân cư đến ở. Phải chăng đó là do tính liên kết còn chưa cao?", ông Tùng nêu quan điểm và lưu ý, khi quy hoạch thì cần phải lường trước được nguồn lực đầu tư để tránh "vẽ xong rồi để đấy".

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này có rất nhiều điểm nổi bật, trong đó là mô hình "thành phố trong thành phố" và Quy hoạch sông Hồng.

"Tuy nhiên, để thực hiện được "thành phố trong thành phố" thì Hà Nội phải đảm bảo được thành phố đó có thể "tự chủ", không chỉ đơn thuần là dạng khu đô thị mới. Hơn nữa, cần phải đưa khoa học công nghệ vào các thành phố này để tạo ra những đô thị thông minh", ông Tùng nêu quan điểm.

Nên làm trước thành phố phía Tây

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Ngô Trung Hải cho biết, mô hình "thành phố trong thành phố" từng được đề xuất từ lâu, khi Hà Nội mở rộng ranh giới hành chính vào năm 2008, nhưng vì nhiều lý do nên lúc đó chưa thể thực hiện. Và đây là quá trình tất yếu trong phát triển đô thị. Ở các quốc gia phát triển với tỷ lệ đô thị hóa hơn 70%, mô hình này rất phổ biến.

Theo TS.KTS Ngô Trung Hải, vấn đề quan trọng nhất để mô hình thành công là phải xây dựng cho được chính quyền đô thị đích thực, có cơ chế vận hành, hành lang pháp lý phù hợp để từ đó thực sự tạo ra được sự phát triển mới. Người điều hành thành phố đó cần được trao quyền tự chủ tương xứng với vị thế và đóng góp của đô thị trong địa phương và cả nước.

"Hà Nội đang đề xuất hai vị trí là phía Bắc và phía Tây. Cá nhân tôi cho rằng nên làm trước thành phố phía Tây vì ở đây có nhiều điều kiện để phát triển. Đây là khu vực có thể phát triển với tốc độ nhanh, đồng thời có nền văn hóa xứ Đoài gốc, có lịch sử văn hóa riêng. Bản thân Sơn Tây đã là một đô thị lịch sử, kết hợp đô thị Hòa Lạc, Xuân Mai sẽ hình thành một cấu trúc thành phố mới rất rõ nét", ông Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.