Chủ quyền biển đảo

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma

14/03/2024, 16:26

Sự kiện Gạc Ma là bản hùng ca về ý chí kiên cường, dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sáng 14/3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) diễn ra lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhân kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988 – 14/3/2024).

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 1.

Đông đảo đồng bào, chiến sỹ đã có mặt đông đủ về dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Dự lễ có lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa; Vùng 4 Hải quân; các đơn vị quân đội, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ.

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 2.

Các đoàn đại biểu tại lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Mở đầu lễ tưởng niệm, các đại biểu đã ôn lại lịch sử về những tấm gương đã anh dũng, quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp đó, từng đoàn người dâng hương trước tượng đài "Những người nằm lại từ phía chân trời" và Mộ gió (nơi đặt bia ghi danh 64 liệt sĩ Gạc Ma).

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 3.

Đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa vào dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Có mặt trong đoàn người về dâng hương, Thiếu tá Trần Thị Thủy, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, là con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương (Thiếu úy, đảo phó Gạc Ma) xúc động nói: "Đến ngày này, tôi luôn sắp xếp công việc, đến mộ gió thắp nén nhang cho cha. Tôi thấy bồi hồi, xúc động, đến nơi đây, tôi như đến gần với cha của mình. Tôi luôn ý thức được sự hi sinh của cha mình vì biển đảo thân yêu của Tổ quốc, bản thân tự hứa sẽ luôn luôn cố gắng hết sức mình trong công tác, để tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình".

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa dâng hương tại Khu tưởng niệm Gạc Ma.

Từ Quy Nhơn (Bình Định), cựu binh Lê Văn Thoa (một trong 9 cán bộ, chiến sĩ hải quân bị Trung Quốc bắt giữ tại Gạc Ma năm 1988) cho biết, cứ đến những ngày này, lòng bồi hồi và xúc động lại ùa về. Mỗi năm ông đều đi xe máy từ quê nhà Bình Định vào khu tưởng niệm ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) để thắp nén nhang cho đồng đội.

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân dâng hưởng, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

"Dịp này, do chân đau, nên tôi bắt xe khách đi vào. Đã 36 năm, nhưng nỗi nhớ đồng đội của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai, điều quý giá nhất đối với tôi là mỗi năm được tự tay thắp nén nhang cho những người đồng đội từng vào sinh ra tử với mình. Mong muốn thế hệ sau mãi noi gương ông cha để bám đảo, giữ chủ quyền để đất nước bình yên", ông Thoa xúc động nói.

Dâng hương tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma- Ảnh 6.

Thiếu tá Trần Thị Thủy, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (con gái của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - người chỉ huy bảo vệ Gạc Ma, giữ lá cờ Tổ quốc tại đảo đá Gạc Ma ngày 14/3/1988), dâng hương lên mộ gió 64 anh hùng liệt sĩ.

Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa) cho biết, 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là tấm gương, nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sau lễ dâng hương, các cựu binh, thân nhân liệt sĩ và người dân đi tham quan khu tưởng niệm, đến khu vực trưng bày để tìm hiểu về các kỷ vật, hiện vật, lịch sử diễn biến trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Trường Sa vào năm 1988.

Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, phía Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến cùng binh lính đến tấn công, khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép đến nay.

Được biết, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng, hoàn thành vào năm 2017 có diện tích hơn 25.000m2 từ nguồn kinh phí đóng góp của đoàn viên, người lao động và doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.

Trung bình mỗi năm, Khu tưởng niệm đón hơn 500.000 lượt người dân và du khách tới thăm viếng, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Khu tưởng niệm là một trong những "địa chỉ đỏ" được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học chọn làm địa chỉ về nguồn để giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.