Hàng hải

4.257 container tồn đọng tại cảng Cát Lái: Cần chính sách xử lý hàng hoá tồn đọng phù hợp

01/03/2024, 11:58

Lượng container đang tồn đọng trên 90 ngày tại cảng Tân Cảng Cát Lái là 4.257 container, đang gây ra những thiệt hại lớn cho cảng, cho doanh nghiệp nhập khẩu và cả cho hãng tàu.

Nguyên nhân gây tồn đọng số container trên được Tân cảng Sài Gòn xác định từ việc thay đổi chính sách quản lý một số mặt hàng nhập khẩu cũng như siết chặt việc gia hạn giấy phép và quota nhập khẩu, thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu dẫn đến việc thông quan hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu đó là: phế liệu, thực phẩm, máy móc cũ, bách hóa, thực phẩm…

4.257 container tồn đọng tại cảng Cát Lái: Cần chính sách xử lý hàng hoá tồn đọng phù hợp- Ảnh 1.

Tình trạng tồn đọng số lượng lớn container tại cảng Cát Lái đã làm phát sinh nhiều loại chi phí như phí lưu bãi, phí kiểm kê, chi phí bảo trì, sửa chữa container... (ảnh minh họa).

Cùng đó là việc các container hàng không đạt chuẩn nhập khẩu, không được thông quan, gây ra tình trạng tồn đọng tại cảng Cát Lái.

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tình trạng tồn đọng số lượng lớn container nêu trên đã làm phát sinh nhiều loại chi phí như phí lưu container, lưu bãi, phí kiểm kê, chi phí bảo trì container, sửa chữa container (do tồn đọng lâu ngày gây hư hỏng); làm mất đi chi phí cơ hội, tái sử dụng container, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp cảng và hãng tàu.

Lượng container tồn lâu ngày còn dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ách tắc tại cảng.

Việc hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng Cát Lái, dẫn tới việc Tân cảng Sài Gòn phải luân chuyển, đảo chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc giữa các cảng.

Điều này làm gia tăng chi phí cho cảng, cho khách hàng và hãng tàu, làm giảm năng suất khai thác cảng. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp. Đồng thời, làm phát sinh các khoản chi phí trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng, gây khó khăn về nhân sự tham gia giám sát, tiêu hủy phế liệu.

Ngoài ra, các chi phí liên quan đến xử lý hàng tồn đọng (chi phí dịch vụ trong cảng, chi phí giám định chất lượng hàng hóa, chi phí thẩm định giá, chi phí tiêu hủy hàng hư hỏng…) lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của Hải quan TP.HCM nên thủ tục rất phức tạp, làm mất rất nhiều thời gian trong công tác thanh quyết toán.

Để giải quyết những khó khăn từ việc tồn đọng số lượng lớn container, Tân cảng Sài Gòn đề xuất lực lượng liên ngành phối hợp tăng tiến độ giải phóng hàng hóa đang bị tồn tại cảng Cát Lái.

Đặc biệt là Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TP.HCM cho phép cảng chuyển đến các cơ sở thuộc cảng lưu giữ, chờ xử lý. Sửa đổi hoặc thay thế các thông tư, nghị định không còn phù hợp với với điều kiện thực tế xử lý hàng hóa tồn đọng hiện nay…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.