Y tế

74 bệnh viện ở ĐBSCL khan máu vì thiếu túi đựng và hóa chất xét nghiệm

02/08/2023, 19:12

Việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất y tế cho Bệnh viện Huyết học - truyền máu Cần Thơ bị chậm phê duyệt gây ra tình trạng thiếu máu.

Trớ trêu nguyên nhân thiếu máu

Ngày 2/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, BS Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện (BV) Huyết học - truyền máu Cần Thơ cho biết: “Hôm qua, một xe của chúng tôi lên BV Chợ Rẫy để nhận 30 đơn vị tiểu cầu mà các BV ở ĐBSCL đặt.

Chúng tôi chờ từ sáng đến 3h chiều, được BV trả lời không có, phải chạy xe về không. Bây giờ BV nào ở ĐBSCL cần máu khẩn để cấp cứu, chúng tôi cũng phải đành chịu vì không có cách nào để xoay xở nữa”.

img

Lãnh đạo BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ đang đau đầu vì thiếu máu cung cấp cho các địa phương ĐBSCL.

BS Việt cho biết, tình trạng thiếu máu ở BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ đã dai dẳng gần một năm qua và đặc biệt nghiêm trọng từ nhiều tháng nay. Trách nhiệm của BV là cung cấp máu cho 11 tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Long An và Kiên Giang) nhưng đến nay phải bó tay.

“Không phải là ĐBSCL thiếu người hiến máu, mà chúng tôi không có túi đựng máu và các hóa chất xét nghiệm máu. Công tác đấu thầu để mua sắm hóa chất, vật tư y tế đang gặp trở ngại về thủ tục.

Mọi năm tháng 4 đến tháng 6 các phong trào hiến máu được phát động rầm rộ. Nhưng năm nay vì không có túi đựng và hóa chất xét nghiệm máu, chúng tôi không thể phối hợp triển khai”, BS Việt nói thêm.

img

ĐBSCL không thiếu người tham gia hiến máu nhưng trớ trêu nguyên nhân thiếu máu ở khu vực này là hết túi đựng và hóa chất xét nghiệm máu.

Trong khi BV Huyết học - truyền máu thành phố Cần Thơ đang rối ren vì thiếu máu, nhiều BV ở các địa phương ĐBSCL, tình trạng thiếu máu cũng khiến bệnh nhân rơi vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Nhiều BV đã phát đi tín hiệu khẩn thiết cần máu nhưng cũng không có kết quả khi vấn đề gốc rễ chưa được giải quyết.

Giữa tháng 7, BV Huyết học - truyền máu thành phố Cần Thơ phải phát đi thông báo khẩn đến 74 BV ở 11 tỉnh, thành ĐBSCL về việc hết tiểu cầu - một chế phẩm quan trọng dành cho các trường hợp cấp cứu bệnh nhân.

BS Việt cho biết, từ trước đến nay, duy nhất BV Chợ Rẫy là nơi cung cấp cho BV Huyết học - truyền máu thành phố Cần Thơ để phân phối lại cho các BV địa phương. Nhưng sắp tới nơi này sẽ cung cấp rất hạn chế vì ngay cả BV Chợ Rẫy cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó, các nguồn viện trợ khác từ Viện Huyết học và truyền máu Trung ương và BV Huyết học - truyền máu TP.HCM từ trước đến nay cũng rất hạn chế.

Không có giải pháp nào ngoài chờ đợi

Về việc hết túi đựng và hóa chất xét nghiệm máu dẫn đến thiếu máu, BS Việt cho biết do công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế của đơn vị gặp nhiều trở ngại về thủ tục.

img

Xe hiến máu lưu động của BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ hoạt động thời điểm năm 2021.

Lý giải về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết, việc đấu thầu thiết bị, vật tư y tế kéo dài không chỉ ở BV Huyết học - truyền máu mà còn xảy ra ở các đơn vị y tế khác thuộc Sở.

Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu của BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ, Sở đã trình về UBND thành phố và đã có 347/494 mặt hàng đã được phê duyệt.

47 mặt hàng còn lại, BV Huyết học - truyền máu Cần Thơ đang từng bước làm theo quy trình, bắt đầu từ ngày 25/7.

Trước tình hình này, BS Việt cho biết: “Theo kế hoạch phê duyệt của Sở Y tế và UBND thành phố Cần Thơ, hết năm nay vẫn chưa chắc đủ vật tư y tế để bệnh viện hoạt động”.

Theo BS Việt, do quá trình xây dựng gói thầu mua sắm kéo dài từ đầu năm đến nay nên giá cả một số mặt hàng có sự thay đổi.

Gói thầu của BV này có 394 mặt hàng, giá trị 150 tỷ đồng. Trong số 394 mặt hàng, có 47 mặt hàng tăng giá khoảng 800 triệu đồng, nhưng trong số này cũng có hơn 300 mặt hàng giảm giá nên tổng gói thầu được phê duyệt hiện tại còn 138 tỷ đồng.

img

Bệnh nhân cần máu vẫn phải chờ thủ tục mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

BS Việt cho biết, luật cho phép được điều chỉnh 47 mặt hàng tăng giá này để được phê duyệt cùng một lúc. Nhưng Sở Y tế trình UBND thành phố phê duyệt theo hai gói thầu. Nghĩa là 47 mặt hàng tăng giá phải thực hiện quy trình chào giá và xây dựng kế hoạch mua sắm lại từ đầu.

“Nếu theo cách này, dù 347 mặt hàng được duyệt mua sắm cũng phải để nằm đó. Vì để vận hành một máy xét nghiệm máu phải cần đủ 78 mặt hàng. Trong khi đó, 60 mặt hàng đã được phê duyệt, còn 18 mặt hàng nằm trong số tăng giá phải chờ làm thủ tục lại từ đầu”, BS Việt thông tin.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, việc đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế phải được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, trước đây, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế dựa theo Thông tư 14/2020 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đến ngày 14/4/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08/2023, bãi bỏ Thông tư 14.

"Kế hoạch mua sắm đấu thầu đã đi được 1/3 chặng đường thì Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 nên các đơn vị y tế buộc phải xây dựng lại từ đầu.

Khi các đơn vị xây dựng kế hoạch được một phần thì đến ngày 30/6, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư 14/2023, hướng dẫn lại về đấu thầu, trang thiết bị y tế và có hiệu lực từ 1/7/2023. Vì vậy, các bệnh viện phải thực hiện theo thông tư mới”, bà Nga nói và cho biết đó là lý do khiến quá trình mua sắm, đấu thầu vật tư y tế kéo dài và gặp nhiều khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.