Xã hội

80 phường ở TP.HCM phải sáp nhập

04/12/2023, 20:25

TP.HCM có 80 phường thuộc 10 quận thuộc diện phải sắp xếp lại đơn vị hành chính và không có quận, huyện nào phải sáp nhập ở giai đoạn 2023 - 2030.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn TP.HCM. 

Theo UBND TP, ở giai đoạn này, TP.HCM không có quận huyện nào phải sắp xếp. Riêng huyện Nhà Bè và quận 6 dù thuộc diện cần sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên cũng không sắp xếp. Như vậy, TP.HCM chỉ có 129 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp, 49 phường thuộc diện đặc thù không cần sắp xếp.

80 phường ở TP.HCM phải sáp nhập - Ảnh 1.

Khu vực trung tâm quận 1 (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng

Theo UBND TP.HCM, việc sắp xếp này dù làm tinh gọn bộ máy, song do số lượng sắp xếp lớn chắc chắn ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đặc thù quận huyện, phường xã của TP.HCM có diện tích nhỏ nhưng dân đông, vượt nhiều so với quy chuẩn. Nếu nhập hai đơn vị hoặc ba đơn vị thành đơn vị mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích theo quy định.

"Sau sắp xếp, các đơn vị hành chính sẽ có diện tích và quy mô dân số lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức không tăng. Do đó, mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước sẽ không cao", UBND TP nêu trong tờ trình.

TP.HCM dự báo việc sắp xếp đơn vị hành cấp huyện, cấp xã là việc khó, nhạy cảm, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, tác động đến người dân, doanh nghiệp. Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho TP vận dụng 7 yếu tố đặc thù để sắp xếp.

Thứ nhất, đơn vị hành chính có địa giới đã hình thành ổn định và từ khi có Quyết định 300 của UBND Cách mạng TP.HCM về điều chỉnh TP còn ba cấp đến nay, chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Thứ hai, đơn vị hành chính nông thôn được quy hoạch phát triển đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích và dân số đạt tiêu chuẩn đô thị thì không bắt buộc sắp xếp.

Thứ ba, đơn vị hành chính đô thị có hai yếu tố đặc thù sau đây thì dân số tối thiểu bằng 50% quy định của đô thị. Cụ thể là có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận hoặc có di sản văn hóa vật thể xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và được xác định hoặc trực thuộc đơn vị hành chính được xác định là trung tâm du lịch quốc gia hoặc quốc tế.

Thứ tư, quận huyện có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Thu ngân sách hàng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Thứ năm, quận có từ 10 phường trở lên thì chỉ thực hiện sắp xếp một số phường, để đảm bảo sau khi sắp xếp ĐVHC quận phải có tối thiểu 10 phường.

Thứ sáu, trong giai đoạn 2023-2030 không bắt buộc sắp xếp phường, xã, thị trấn trực thuộc quận huyện đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Cuối cùng là không sắp xếp đối với các đơn vị liền kề mà sau khi có đơn vị mới, khối lượng công việc của cán bộ, công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước khi sắp xếp.

Theo UBND TP.HCM, để đảm bảo tính ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đồng thời phù hợp với Đề án quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cả 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026 - 2030 chung một lần.

Lý do là số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP bắt buộc thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030 rất lớn, nhất là giai đoạn 2023 - 2025. Vì vậy, dự báo công tác sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn này sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2024, TP.HCM hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xãNăm 2024, TP.HCM hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Đến năm 2024, TP.HCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại quận huyện, phường xã, nhằm giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.