Xã hội

94 năm thành lập Đảng: Phòng chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn

02/02/2024, 06:04

Sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện của Đảng là nhân tố quyết định thành công của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong lịch sử 94 năm hình thành và phát triển, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, trong "Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng viên của Ðảng mắc phải như: Làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo...

94 năm thành lập Đảng: Phòng chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn- Ảnh 1.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

"Người đã dự báo và cảnh báo những nguy cơ mà đội ngũ cán bộ, đảng cầm quyền nếu không kiên quyết khắc phục, sửa chữa sẽ dễ dàng mắc phải. Ðồng thời, Người cũng nhiều lần đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đó là "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm", ông Lý thông tin.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí và quan liêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đều có chung một nguồn gốc sinh ra là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, để phòng chống có hiệu quả, không chỉ sử dụng pháp luật nghiêm minh mà còn cần phải "nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".

Quan điểm này đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thực hiện nghiêm túc từ những ngày đầu thành lập.

"Ví dụ sinh động nhất là vụ án Trần Dụ Châu - vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Đảng và Nhà nước ta vẫn cương quyết xử lý với án phạt cực nặng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên ký lệnh y án tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đầu tiên trong lịch sử Nhà nước mới", ông Lý dẫn chứng.

Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý cho biết, thời điểm này, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến các đảng viên, nhất là những đảng viên có chức vụ là không hề nhỏ thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lại càng được chú trọng.

"Phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Thực tế, những năm qua, Đảng ta đã không ngừng đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả nổi bật. Đặc biệt, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập (1/2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã được nâng tầm, mục tiêu được thực hiện rất thành công", ông Lý nhìn nhận.

Với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý, thời gian qua, không ít những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, thậm chí là khởi tố, bắt giam vì những sai phạm trong quản lý, tham ô, tham nhũng.

"Đây là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự thực chất trong phòng, chống tham nhũng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế, phong trào không ngừng nghỉ, là niềm tin của nhân dân, đòi hỏi của cuộc sống", ông Lý nói.

94 năm thành lập Đảng: Phòng chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương).

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm"

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, công tác xây dựng Đảng bao gồm hai mặt thống nhất, đó là xây dựng và chỉnh đốn.

"Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, chính vì thế Đảng xác định phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn. Xây dựng để chỉnh đốn, trong xây dựng có chỉnh đốn và trong chỉnh đốn có xây dựng", ông Hà nói.

Ông Hà cho hay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng ta đặt ra và quan tâm từ lâu. Tuy nhiên, bắt đầu từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) trở lại đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được nâng lên giai đoạn mới, cao hơn, mạnh mẽ hơn.

"Việc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng là thực hiện lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Hà nói.

Lý giải về việc tại sao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay tiến lên được một bước, mạnh mẽ hơn, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng.

Theo ông Hà, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có từ lâu, ngay ở Trung ương đã thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ. Nhưng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012), Ban chấp hành Trung ương nhận thấy nếu Ban chỉ đạo này trực thuộc Chính phủ thì hiệu quả sẽ bị hạn chế.

Chính vì vậy, Trung ương đã quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với một cơ cấu phù hợp hơn và Ban này đã chuyển về trực thuộc Bộ Chính trị, người đứng đầu Đảng là trưởng ban. Từ đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chuyển sang một giai đoạn mới, cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Trong những bài học về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn 10 năm qua, ông Hà cho rằng, bài học kinh nghiệm giá trị là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng.

"Lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính vì thế cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đi đến thắng lợi, thành công thì không thể nằm ngoài dưới sự lãnh đạo của Đảng", ông Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, khi bàn đến những chủ thể tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ "nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng".

Lời nhận định này chính là tổng kết ngắn gọn, súc tích về vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

"Đảng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm được "bốn không": Không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng", ông Hà nói.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà cũng cho biết, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ.

"Niềm tin của nhân dân chưa bao giờ lớn và sâu sắc như bây giờ, điều này có được là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, cùng với đó là thực hiện nghiêm túc công tác phòng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cuộc chiến chống "giặc nội xâm" nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân", ông Hà nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.