Chuyện dọc đường

Ai được lợi từ vốn ưu đãi?

13/03/2014, 07:04

Trước thông tin cơ quan quản lý chuẩn bị nới lỏng một số điều kiện về mua nhà ở xã hội cũng như điều kiện tiếp cận vốn vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ, phân khúc căn hộ nhỏ...


Tuy nhiên, thay vì tạo điều kiện, diễn biến thị trường những ngày gần đây cho thấy giới đầu cơ căn hộ tại những dự án đủ điều kiện vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã đẩy giá bán căn hộ buộc người mua nhà phải chi thêm từ 20-30% (gọi là tiền chênh) để đổi lấy cơ hội chưa rõ ràng là được vay vốn ưu đãi. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Gói 30.000 tỷ có thực sự hỗ trợ thị trường và đối tượng nào đang được hưởng lợi?


Trả lời câu hỏi này, chúng ta trở lại mục tiêu của gói 30.000 tỷ, khởi nguyên là nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua thời kỳ đóng băng, đồng thời giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, gói hỗ trợ này có thể tạo nợ xấu nên không khó hiểu nguồn tín dụng ưu đãi này được các ngân hàng giải ngân vô cùng nhỏ giọt. Sau 9 tháng triển khai mới giải ngân được 3,6%.


Nay theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc nới lỏng điều kiện vay được thực hiện vừa chắp cánh ước mơ sở hữu nhà cho người dân thì đã lập tức bị giới đầu cơ nhà đất dập tắt và biến thành cơ hội trục lợi. Giá nhà thương mại đáp ứng điều kiện để được vay vốn hỗ trợ tăng chóng mặt, cơ hội mua nhà tưởng chừng mở rộng thì nay lại xa vời khi người thu nhập thấp phải trả thêm vài trăm triệu đồng tiền chênh lệch. Gánh nặng nợ nần càng gia tăng trong trường hợp người mua nhà không được vay vốn ưu đãi. Chắc chắn, mỗi người mua nhà đều nâng lên đặt xuống, khi phải chi thêm một khoản tiền lớn tương đương với hàng chục tháng lương của người có thu nhập trung bình và hàng chục năm của người thu nhập thấp. 


Thực tế cũng cho thấy, nguồn cung nhà giá thấp không thể tăng trong ngày một, ngày hai nhưng công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoàn toàn có thể thực hiện được ngay, để hạn chế đầu cơ, đẩy giá bất động sản, giảm bớt gánh nặng, bức xúc của người nghèo. Nếu cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước không rà soát, điều chỉnh chính sách quản lý mà cứ giải thích việc tăng giá bất hợp lý như hiện nay là do cung - cầu thì sẽ tiếp tục tạo ra lợi ích nhóm - là giới kinh doanh, đầu cơ bất động sản, thay vì hướng lợi ích đến nơi cần đến là doanh nghiệp, người có thu nhập thấp. 

Xuân Thu

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.