Thị trường

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam cần chớp thời cơ

25/07/2023, 19:05

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam có thể tăng mạnh, doanh nghiệp Việt phải chớp cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh

Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo từ ngày 20/7. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, việc này sẽ tác động mạnh đến việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia châu Phi, khi vị thế của Ấn Độ chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu.

Theo VFA, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

img

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 100-300 đồng/kg mỗi ngày.

Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đạt 545 USD/tấn (mức cao nhất kể từ tháng 2/2021), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn (mức cao nhất 12 năm trở lại đây).

Song, VFA cho biết, nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tác động tích cực đến Việt Nam. Cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải tranh thủ thời cơ.

Để tranh thủ được thời cơ này, theo đại diện Cục Trồng trọt, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo Nghị định 107 của Chính phủ. Đồng thời, phải đánh giá nguồn cung, nhu cầu thị trường để ký hợp đồng mới.

Có ảnh hưởng an ninh lương thực trong nước?

Giá gạo dự báo tăng mạnh, không tránh khỏi việc ồ ạt xuất khẩu, cách nào đảm bảo an ninh lương thực trong nước? Trả lời câu hỏi của PV, đại diện Cục trồng trọt phân tích: Đến tháng 5 cả nước đã thu hoạch được hơn 17 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch sản xuất trên 43 triệu tấn có thể hoàn thành được nhờ thời tiết thuận lợi.

Vì thế, vẫn đảm bảo được nhu cầu lương thực, chăn nuôi, chế biến, dự trữ và đảm bảo trên 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu.

“Việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ được Cục Trồng trọt bám sát diễn biến thị trường”, vị đại diện cho hay.

Ngược lại, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo (phần lớn là từ Ấn Độ) để phục vụ cho việc sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi... Do đó, theo vị đại diện, sẽ có những tác động nhất định, nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào thì cần có đánh giá sâu hơn.

Song, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, giá gạo trong nước sẽ có chiều hướng tăng, nhưng do mặt bằng giá chung, chứ không phải do khan hiếm nguồn cung.

Thực tế, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện giá lúa mua vào đang tăng cao, có ngày tăng từ 100-300 đồng/kg.

Cụ thể, ngày 20/7, giá lúa tươi OM18 mua tại đồng là 6.300 đồng/kg thì đến 25/7 đã tăng lên 6.900-7.000 đồng/kg.

Ông cũng cho biết, doanh nghiệp đang dừng nhận đơn hàng mới để tập trung xử lý đơn hàng cũ với Ấn Độ. Do vậy, việc mua cao hơn vài trăm đồng/kg, thậm chí 1.000-2.000 đồng/kg để giao hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn khi giá đầu ra giữ nguyên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.