Kinh tế

Apple bị phạt gần 2 tỷ USD

05/03/2024, 06:39

Quyết định xử phạt Apple đến từ một khiếu nại vào năm 2019 của Spotify về việc chặn tiếp cận với người dùng và mức phí hoa hồng 30% cho App Store.

Ngày 4/3, Ủy ban Liên minh châu Âu đã ra thông báo xử phạt Apple 1,95 tỷ USD do lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường phân phối ứng dụng phát nhạc trực tuyến.

Cơ quan điều tra cho biết Apple đã áp dụng nhiều hạn chế đối với các nhà phát triển ứng dụng, ngăn đối thủ cạnh tranh thông báo cho người dùng iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế với mức giá rẻ hơn bên ngoài App Store.

Ủy ban cũng cáo buộc Apple cấm các nhà phát triển ứng dụng phát nhạc trực tuyến cung cấp bất kỳ hướng dẫn nào mà người dùng có thể tham khảo nhằm đăng ký các ưu đãi rẻ hơn.

Apple bị phạt gần 2 tỷ USD- Ảnh 1.

Ủy ban Liên minh châu Âu xử phạt Apple 1,95 tỷ USD nhằm chống lại các hành vi độc quyền của hãng này.

Đây là khoản tiền phạt chống độc quyền đầu tiên từ EU đối với Apple và là một trong những khoản phạt lớn nhất mà ủy ban áp dụng cho một công ty công nghệ.

Ngay sau tin tức, cổ phiếu Apple đã giảm khoảng 2,5% trong phiên giao dịch buổi sáng ở Mỹ.

Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra Apple sau khiếu nại của Spotify vào năm 2019. Theo ủy ban, hành vi của Apple đã kéo dài gần 10 năm và có thể đã khiến nhiều người dùng iOS thường xuyên phải trả giá cao hơn cho những tính năng và gói nghe nhạc trực tuyến tương tự như các ứng dụng bên ngoài.

Về mặt lý thuyết, phí dịch vụ có thể rẻ hơn nếu dùng cổng thanh toán ngoài, bởi nhà phát triển không phải chi hoa hồng 15 - 30% nếu sử dụng dịch vụ của App Store.

Phản hồi của Apple và Spotify

Ngay sau quyết định xử phạt của ủy ban, Apple cho biết Spotify sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ tuyên bố của EU.

"Bên ủng hộ chính cho quyết định này và cũng là công ty được hưởng lợi lớn nhất chính là Spotify. Hiện tại, Spotify chiếm 56% thị phần phát nhạc trực tuyến ở châu Âu, cao hơn gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ. Tuy nhiên, công ty này lại không trả tiền cho Apple – yếu tố giúp họ có được sự thành công như ngày hôm nay", Apple cho biết trong một tuyên bố.

A pair of cell phones with earphones  Description automatically generated

Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra Apple sau khiếu nại của Spotify vào năm 2019.

Apple nhấn mạnh phần lớn thành công của Spotify là nhờ App Store cùng với tất cả các công cụ và công nghệ mà Spotify sử dụng để xây dựng, cập nhật và chia sẻ ứng dụng của họ với người dùng Apple trên toàn thế giới.

Thay vì bán các gói đăng ký trong ứng dụng iOS, Spotify lại bán chúng thông qua trang web riêng của mình. Apple không thu hoa hồng cho những giao dịch mua đó.

Dù vậy, các nhà phát triển trong nhiều năm đã lên tiếng phản đối khoản phí 30% mà Apple tính khi mua hàng trong ứng dụng.

Còn Spotify ngay lập tức thể hiện sự ủng hộ của hãng đối với quyết định công bằng của EU.

"Các quy tắc của Apple đã ngăn cản Spotify và các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác chia sẻ với người dùng về nhiều lợi ích khác nhau. Hãng cũng ngăn cản chúng tôi quảng bá về các gói nâng cấp, khuyến mãi, giảm giá hoặc nhiều đặc quyền khác", Spotify cho biết thêm.

EU "siết" các tập đoàn công nghệ

Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU Margrethe Vestager đã đánh giá mức phạt đối với Apple là khá nhỏ và so sánh nó với một "vé phạt quá tốc độ hoặc một vé đỗ xe" so với quy mô của công ty này.

"Apple với App Store hiện vẫn đang độc quyền. Các nhà phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hoặc từ bỏ App Store", bà Vestager nói và cho biết thêm rằng ủy ban đã yêu cầu Apple loại bỏ cái gọi là quy định độc quyền và tránh các hoạt động tương tự trong tương lai.

Giới phân tích cho rằng quyết định xử phạt này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa nhóm Big Tech và ủy ban trong bối cảnh EU đang tăng cường giám sát các công ty này.

Trước đó, EU cũng từng phạt Google, công ty con của Alphabet, tổng cộng số tiền 8,25 tỷ euro liên quan đến nhiều vụ kiện.

Hiện tại, Apple cũng đang đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền khác của EU, trong đó công ty Mỹ đề nghị giải quyết bằng việc mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go của tập đoàn này cho các đối thủ.

Không chỉ vậy, Apple và các hãng công nghệ lớn khác cũng chịu áp lực lớn từ đạo luật chống độc quyền sắp có hiệu lực đầy đủ vào ngày 7/3 tới. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) yêu cầu các hãng công nghệ cho phép cài kho ứng dụng bên thứ ba, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ, và cấm kết hợp dữ liệu cá nhân trên nhiều dịch vụ.

Để đáp ứng quy định này, Apple đã chỉnh sửa mức phí cho lập trình viên tại EU, cho phép người dùng cài kho ứng dụng ngoài lên iPhone.

Thanh Thắng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.