Xã hội

Bạc Liêu kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ ứng phó hạn mặn

08/04/2024, 18:00

Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng công trình.

Ngày 8/4, theo nguồn tin của phóng viên Báo Giao thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, vừa kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xem xét đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Bạc Liêu kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ ứng phó hạn mặn- Ảnh 1.

Hệ thống cống ngăn mặn, ngọt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đề xuất xây dựng cống, nạo vét kênh

Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đề xuất xây dựng cống Xẻo Chích (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Dự kiến chiều rộng cống là 30m, kinh phí đầu tư là 300 tỷ đồng;

Đồng thời, xây mới hệ thống các cống phía bắc trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, gồm 16 cống, dự kiến kinh phí đầu tư là 350 tỷ đồng (đây cũng là danh mục được đề xuất vào Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, giai đoạn II).

Cùng với đó là hỗ trợ nạo vét 8 trục kênh cấp I thuộc vùng bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, tổng chiều dài 120,5km, dự kiến kinh phí đầu tư là 475 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam - chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phối hợp với tốt với Sở NN&PTNT Bạc Liêu vận hành có hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới (do công ty trực tiếp quản lý).

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng trạm bơm tại cống âu thuyền Ninh Quới, để chủ động ngăn hoàn toàn nước mặn chảy về Sóc Trăng khi vận hành cống.

Theo dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu trong tháng 4/2024, tình hình nuôi trồng thủy sản sẽ gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài, độ mặn trong các ao nuôi sẽ tăng cao vượt ngưỡng 250 phần ngàn, bất lợi cho tôm nuôi.

Do đó, dự kiến trong quý II/2024, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục cho mở toàn hệ thống cống từ Giá Rai đến Láng Trâm để rút mặn ra biển Đông sau các đợt triều cường tháng 4, tháng 5/2024.

Qua đó, tạo điều kiện mở lại các cống: Cống âu thuyền Ninh Quới và 6 cống phân ranh khu vực ngã tư Ninh Quới (Bạc Liêu) để bổ sung nước ngọt từ trục Quản Lộ - Phụng Hiệp về tiểu vùng giữ ngọt của tỉnh.

Bạc Liêu kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ ứng phó hạn mặn- Ảnh 2.

Dự kiến trong quý II/2024, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục cho mở toàn hệ thống cống từ Giá Rai đến Láng Trâm để rút mặn ra biển Đông

Kịch bản nào ứng phó với hạn mặn?

Nhằm chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đưa ra ba kịch bản.

Cụ thể: Kịch bản 1 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 ít gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016. Kịch bản 2 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt, tương đương như mùa khô năm 2015 - 2016. Kịch bản 3 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt hơn mùa khô năm 2015 - 2016.

Sau khi phân tích, tỉnh Bạc Liêu chọn kịch bản 2 là kịch bản khả thi để triển khai công tác ứng phó hạn, mặn. Kinh phí ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo kịch bản 2 là 21.066 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, trong kịch bản 2 đã đưa ra hai nhóm giải pháp ứng phó với El Nino. Trong đó, nhóm giải pháp công trình là tăng cường thi công, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; chuẩn bị phương án đắp đập tạm để tổ chức bơm chuyền vào các tháng cao điểm mùa khô cho vụ đông xuân.

Đối với nhóm giải pháp phi công trình, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô. Từ đó chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng, tránh để nước mặn xâm nhập làm thiệt hại cây trồng. Đồng thời, tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ở các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn nông dân một số biện pháp bảo vệ sản xuất...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.