Y tế

Bác sĩ vùng cao làm chủ nhiều kỹ thuật chữa bệnh mới

12/12/2023, 11:19

Theo chia sẻ của Giám đốc BV Đa khoa huyện Mộc Châu, việc tham gia vào các đề án Bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đã giúp bệnh viện tuyến huyện làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiếp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nơi đây.

Người bệnh được hưởng lợi

Cách đây không lâu, các bác sĩ BV ĐK Mộc Châu đã thực hiện thành công ca phẫu thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền bàn tay bị lóc toàn bộ da cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động (bị máy cắt cỏ cắt vào tay). Bằng việc áp dụng phương pháp điều trị này đã giữ lại tối đa chức năng và chiều dài chi thể, thay vì phải cắt cụt đến tận cổ tay để che phủ lại tổn thương như như trước đây.

Nữ bệnh nhân 31 tuổi được gia đình đưa đến cấp cứu với vết thương cụt đốt bàn ngón tay phải nham nhở, chảy máu nhiều. Theo BSCKI Lê Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân vào viện trong tình trạng bàn tay phải bị lột hết da, bao gồm cả mạch máu, dây thần kinh, chỉ còn gân và xương của ngón tay. Đây là trường hợp có vết thương khá nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt bàn tay rất cao để tránh nhiễm trùng, hoại tử gân, xương.

Tuy nhiên, việc cắt cụt bàn ngón tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân. Chính vì vậy, sau khi hội chẩn toàn viện, hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia bệnh viện tuyến trung ương, các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt da ở vùng bẹn trên cơ thể bệnh nhân sang phần bàn ngón tay bị mất da.

Làm chủ nhiều kỹ thuật mới ở bệnh viện vùng cao - Ảnh 1.

Ca phẫu thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền bàn tay bị lóc toàn bộ da tại BV ĐK Mộc Châu.

Ca phẫu thuật lấy vạt da vùng bẹn có cuống động mạch nuôi là động mạch mũ chậu nông chuyển sang che phủ và khâu vạt vào vùng da khuyết của bàn tay phải. Sau hơn 4 giờ, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt và xuất viện sau 20 ngày điều trị.

"Chuyển vạt bẹn là vạt tự do đầu tiên được sử dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, đánh dấu bước nhảy vượt bậc trong lĩnh vực che phủ khuyết hổng phần mềm trong tổn thương cấp tính", BS Tuấn thông tin.

Cùng với kỹ thuật này, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu còn triển khai một số dịch vụ kĩ thuật cao như phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau; Phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi đường mật; nội soi tán sỏi đường mật; Phẫu thuật kết hợp xương trật khớp cổ chân bằng chỉ siêu bền; Phẫu thuật nội soi cắt u lành hầu-mũi; Phẫu thuật kết hợp xương gãy mắt cá kèm trật khớp cổ chân…

Trong điều trị hồi sức cấp cứu và nội khoa, các bác sĩ cũng làm chủ kỹ thuật trong quy trình cấp cứu điều trị các bệnh nặng như: bệnh phổi mãn tính tắc nghẽn, nhiễm trùng huyết, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm não màng não…

Năm 2023, chất lượng điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh được nâng cao đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn đạt 114% (tăng 15% so với năm 2022), công suất sử dụng giường bệnh đạt 136%.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cho biết: "Các đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816 của Bộ Y tế đã giúp tuyến y tế cơ sở phát triển thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực và nhu cầu của cơ sở. Nhờ vậy, hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai tại bệnh viện tuyến huyện, "giữ chân" được bệnh nhân, giúp họ giảm bớt chi phí điều trị, đi lại và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên".

Tiếp tục chuyển giao kỹ thuật mới

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã có cuộc làm việc đánh giá về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo điều kiện khi tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng như định hướng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong thời gian tiếp theo của Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu.

Sau khi đoàn khảo sát thực tế, các chuyên gia đánh giá Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao một số kỹ thuật liên quan đến các chuyên khoa: tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, tiết niệu, tim mạch… PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thay mặt đoàn công tác đồng ý với các đề xuất hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện trong năm 2024.

Cũng tại đây, năm 2023, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cũng đã hoàn thiện 2 Hợp đồng chuyển giao kỹ thuật trực tiếp từ Bệnh viện E. Bệnh viện thường xuyên cử các bác sĩ đi học tập các kỹ thuật mới ở các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương... Đồng thời, mời các bác sĩ đầu ngành trực tiếp về cơ sở hướng dẫn, chuyển giao các kỹ thuật mới, qua đó giúp đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động đề án 1816, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Trong thời gian qua bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục bền bỉ thực hiện tổ chức các chuyến đi khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới như BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế… đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Hà Tĩnh…

Các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức hàng trăm chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị ở bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật đã thực sự đúng nhu cầu, mô hình bệnh tật ở địa phương. Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.