Xã hội

Báo chí tự đổi mới hay là chết?

21/06/2017, 19:00

Hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội tràn ngập làm cho người đọc có quá nhiều sự lựa chọn.

bao chi doi moi

Báo chí, truyền thông đang đứng trước nhiều thách thức từ các mạng xã hội.

Đó là câu hỏi tưởng chừng dễ trả lời, nhưng là thực tế khiến rất nhiều cơ quan báo chí đang lúng túng khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội. Các cơ quan báo chí đang tự đổi mới thế nào, trong điều kiện vừa phải làm báo giấy, vừa phải làm báo điện tử? Các báo điện tử đã có chỗ đứng tự đổi mới thế nào hay vẫn đang lúng túng? Thậm chí, có nên bỏ hẳn báo giấy để tập trung phát triển báo điện tử? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số cơ quan báo chí xung quanh những vấn đề này.

9

Ông Lưu Quang Định

Ông Lưu Quang Định (Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay):
Chọn những góc nhìn riêng để tạo dấu ấn

Trong thời đại bùng nổ thông tin, CNTT phát triển mạnh mẽ, để tồn tại, báo giấy phải có những đổi mới, xác định không chạy đua theo tin tức thời sự mà tập trung làm những mục thâm canh sâu, có góc nhìn như những tuyến bài điều tra riêng về đấu tranh chống tiêu cực. Và như báo Nông thôn ngày nay thì tập trung vào chuyên đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn…

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ở báo Nông thôn ngày nay, chúng tôi chưa nghĩ đến việc sẽ chuyển hoàn toàn từ báo giấy sang báo điện tử, vì riêng ở báo Nông thôn ngày nay, lượng độc giả đọc báo giấy vẫn còn lớn, tức là vẫn còn thị trường. Đặc biệt, kể cả với báo giấy và báo điện tử, dù khó khăn nhưng vẫn có những giá trị và sức mạnh riêng.

Mạng xã hội thời nay luôn đi đầu trong thông tin tất cả các lĩnh vực, báo chí chính thống dù đi sau nhưng lại chững chạc hơn, có độ kiểm chứng cao hơn nên vẫn có sức mạnh và tiếng nói riêng. Những cái đó, mạng xã hội không thể cạnh tranh lại được. Tất nhiên, báo chí không thể cạnh tranh số lượng độc giả với mạng xã hội, báo chí ít độc giả hơn nhưng chất lượng và độ tin cậy cao hơn.

Riêng báo Nông thôn ngày nay có chuyên mục “Kính đa tròng”, đây là một trong những chuyên mục thu hút bạn đọc nhiều nhất, dù thi thoảng có “tai nạn” nhưng chúng tôi không hề cảm thấy áp lực và thấy rằng, vẫn cần duy trì chuyên mục này, đi theo hướng có một chuyên mục sắc sảo, gai góc để khẳng định giá trị của tờ báo.

10

Ông Nguyễn Minh Quang

Ông Nguyễn Minh Quang (Tổng biên tập báo Khoa học & đời sống):
Chọn “khe cửa hẹp” để đi

Hiện nay, báo chí, kể cả báo giấy và báo điện tử đều gặp nhiều khó khăn. Đối với báo giấy, cũng có sự cạnh tranh để giành độc giả. Tuy nhiên, thực tế độc giả lại đang dần quay lưng với báo giấy, vì người ta đã tìm, chọn được nhiều loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, mạng xã hội, qua đó biết được nhiều thông tin, tiện ích hơn. Vì thế mới nói rằng, những cái ngày xưa là thế mạnh giờ dường như lại trở thành thế yếu của báo giấy.

Cũng không ít người lo ngại báo giấy sẽ chết từ từ. Nhưng tôi nhận định, báo giấy vẫn cùng báo điện tử song song tồn tại, báo giấy không thể chết vì có người vẫn coi báo giấy là thú vui, là thói quen, tức là báo giấy vẫn có độc giả dù ít hơn. Nếu như trước đây báo giấy chiếm 80%, điện tử chiếm 20% thì giờ tỷ lệ đảo ngược lại, vì xu hướng độc giả có quá nhiều lựa chọn và thường họ sẽ lựa chọn cái tiện ích nhất. Vì thế, hướng đi của báo giấy phải có sự đổi mới.

Đối với báo giấy, cách tốt nhất là phải chọn một “khe cửa hẹp” để đi, chứ một tờ báo mà cái gì cũng đưa tin thì đó là cách đi sai lầm. Kể cả những tờ báo lớn nếu đi theo hướng đó thì tôi cho rằng đó cũng sai lầm.

11

Nhà báo Thành Lân

Làm báo thời mạng xã hội lên ngôi:
Chớ coi thường công nghệ!

Nhà báo Thành Lân, Phó giám đốc Kênh truyền hình VTC16, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh vấn đề báo chí “tự đổi mới hay chấp nhận tụt hậu”.

Từng có nhiều năm làm báo giấy, báo điện tử và bây giờ là truyền hình, ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình báo chí hiện nay, cũng như sự cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội?

Đầu tiên, chúng ta thấy rằng, truyền hình phát triển lấn lướt báo in, phát thanh. Sau đó, báo điện tử ra đời lấn lướt cả truyền hình, phát thanh, báo in. Mặc dù hiện nay, truyền hình vẫn là phương tiện tin tức quan trọng nhất với các nhóm người lớn tuổi, nhưng đang theo chiều suy giảm. Giờ thì tất cả các loại hình báo chí, kể cả báo điện tử cũng đang phải giành độc giả với mạng xã hội.

Gần như tất cả các tờ báo giấy đều đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Theo ông , có phải do sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng như việc nhiều người dân hiện nay dễ dàng sở hữu một chiếc smartphone đã khiến báo giấy còn ít đất “sống”?

Có lẽ đúng là vậy! Bởi thế, mà các tòa soạn báo, kể cả các cơ quan truyền hình cũng đang thích ứng với sự phát triển của xã hội, của công nghệ. Tất cả các tờ báo và phần lớn các tạp chí hiện nay đều có phiên bản điện tử và đều đầu tư rất mạnh mẽ cho báo điện tử, thậm chí cả truyền hình internet. Và khái niệm, báo in hay báo điện tử giờ cũng đang nhòa dần, tóm lại chúng ta đang và sẽ chuyển sang tác nghiệp trên môi trường điện tử.

Có ý kiến cho rằng, báo chí đang tụt hậu so với mạng xã hội. Quan điểm của ông thế nào? Phải chăng sự tụt hậu ấy là hệ quả của việc báo chí không chịu đổi mới, đổi mới không bắt kịp với nhu cầu thông tin của công chúng?

Thực ra, nói rằng báo chí đang tụt hậu so với mạng xã hội cũng chưa chính xác lắm, bởi mạng xã hội là các cá nhân với những thông tin nhiều khi mang tính chủ quan, thậm chí là không chịu trách nhiệm với thông tin của mình, chỉ thông tin được hiện tượng trong khi bản chất hoàn toàn ngược lại. Trong khi đó, nhà báo phải luôn xác minh nguồn tin.

Đổi mới và bắt kịp nhu cầu thông tin của công chúng luôn là mục tiêu được các tòa báo đặt ra. Nhưng giữa mục tiêu và thực tế là khoảng cách rất xa, chúng ta có 90 triệu dân là 90 triệu mối quan tâm khác nhau. Một tờ báo vì thế dù có cập nhật hàng phút thì cũng không đáp ứng được nhu cầu thông tin của cả xã hội. Ngược lại, mạng xã hội như facebook đang áp dụng chính sách ưu tiên, dùng thuật toán dựa trên hành vi, thói quen và thời gian đọc để chọn lọc tự động điều chúng ta có thể thấy.

Giới nội dung số vì thế đã khẳng định: “Facebook là tờ báo lớn nhất thế giới dù không sở hữu bất kỳ nội dung/phóng viên nào; Uber là hãng taxi lớn nhất thế giới dù không sở hữu chiếc taxi nào; Alibaba là chợ lớn nhất thế giới dù không sở hữu cửa hàng nào và Airbnb là dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới dù không sở hữu bất kỳ phòng nghỉ nào”.

Đã có thời, những tờ báo được cho là “lá cải”, những trang thông tin điện tử làm theo kiểu “chộp giật”, câu view rẻ tiền lên ngôi, nhưng hiện nay có thể thấy rõ những tờ báo, trang tin kiểu này đã bị độc giả quay lưng. Theo ông , thực tế này phản ánh điều gì?

Tôi cũng có thời gian làm việc với một tờ báo điện tử bị nhiều đồng nghiệp xếp vào loại “lá cải”. Đó là trải nghiệm thực sự thú vị. Và tôi thấy rằng, nếu theo khái niệm phổ quát về báo “lá cải” của thế giới thì Việt Nam hoàn toàn giống. Bạn hãy mở các báo được coi là “chất lượng, nghiêm chỉnh” thì cũng có những bài rất ‘’sốc – sex – sến”, ngược lại những tờ báo, trang tin bị coi là “lá cải” thì cũng có những bài rất chất lượng, đáng đọc và suy ngẫm.

Nhờ trải nghiệm trong thời gian làm việc ở đó, tôi càng rõ hơn về cách phân biệt giữa báo “lá cải” và báo “chất lượng”, đó là một bên cung cấp thông tin độc giả “muốn”, bên còn lại cung cấp thông tin bạn đọc “cần”. Phần lớn những tờ bị coi là “lá cải” thì việc đầu tư chất lượng và sản xuất nội dung rất hạn chế. Đặc điểm chung của các tờ này là không thể trông chờ vào tài trợ, quảng cáo banner hay bài PR (do không một nhãn hàng uy tín nào muốn gắn tên tuổi mình vào nội dung bị coi là rẻ rúng), phần lớn sống bằng quảng cáo từ Google Adsense.

Phải nói thực, 3-7 năm trước, do số lượng các trang tin điện tử còn ít, không ít trang tin tổng hợp có lượng bạn đọc lớn, thu nhập từ Google Adsense cũng rất khá. Thấy kiếm tốt, nhiều đơn vị cũng nhào vào, miếng bánh bị chia nhỏ đi. Bên cạnh đó, phần lớn nội dung là “xào” lại của nhau, vì thế uy tín ngày một thấp, giá trị quảng cáo cũng thấp đi. Bên cạnh thông tin cần thiết thì giải trí, giết thời gian… cũng là một nhu cầu chính đáng của bạn đọc. Dẫu bạn làm gì thì cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chất lượng, không thể làm “hàng fake”, hàng nhái, hàng ăn cắp được.

Nhiều tờ báo hiện nay đã nhận ra ưu thế vượt trội của công nghệ nên đã đầu tư và phát huy tối đa lợi thế của công nghệ, nhưng ông có cho rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu đi nữa thì đối với báo chí và cả độc giả, thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, hấp dẫn mới là quan trọng nhất?

Một khi đã gọi là thông tin báo chí thì không bao giờ thiếu được các yếu tố cốt lõi là thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, hấp dẫn. Giới làm nội dung số có slogan “content is King”- nội dung là vua, giống như câu hỏi của bạn.

Tuy nhiên, cách đặt câu hỏi như vậy tự nhiên bạn đã “thiên vị” yếu tố nội dung hơn là công nghệ. Trong môi trường internet, bạn phải hiểu nếu chỉ “hữu xạ tự nhiên hương” thì bạn sẽ đi rất chậm, đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Do đó, mối quan hệ giữa nội dung và công nghệ là hữu cơ, không nên xem nhẹ yếu tố nào. Bởi, khi đã có nội dung tốt, công nghệ sẽ giúp nội dung đó đến được với công chúng nhiều hơn, tạo sức lan tỏa hơn.

Cảm ơn ông!

13

Ông Phùng Sưởng

Ông Phùng Sưởng (Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong):
Thị hiếu thay đổi, cách tiếp cận phải thay đổi

Hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội tràn ngập làm cho người đọc có quá nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, tốc độ truyền tải thông tin nhanh, cách sản xuất thông tin phong phú khi người ta có thể xem ảnh, video, đồ họa hay đa phương tiện… thay vì cầm tờ báo giấy khô cứng trên tay. Chính vì thông tin trên mạng xã hội, trong đó có báo điện tử hấp dẫn, nhanh, đa dạng như vậy nên báo giấy đối mặt nhiều khó khăn. Hơn nữa, phương thức làm báo mạng quá nhanh, thuận tiện ở mọi lúc, mọi nơi, việc phát hành thông tin chỉ cần một chiếc điện thoại thay cho tất cả các công đoạn phức tạp cũng được coi là thách thức với báo giấy. Dù rất cố gắng, nhưng là quy luật nên báo giấy chỉ có thể cố gắng “vùng vẫy” trong một phạm vi giới hạn, chứ không thay đổi hoặc đảo ngược được quy luật.

Cạnh tranh là động lực phát triển, nên trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt đó, tạo ra cho báo giấy nhu cầu bức thiết phải thay đổi. Vì dù sao, báo giấy vẫn có một lượng bạn đọc chung thủy, dù lượng này ngày càng ít đi. Nếu báo giấy biết tận dụng để luôn phục vụ cho những đối tượng “đích” của mình, chăm chút cho những đối tượng này bằng thông tin tốt, nhanh, cải tiến về nội dung thì vẫn còn “cửa ngách” để phát triển.

Hiện nay, nhiều tờ báo đang tập trung xây dựng báo điện tử, thậm chí đến thời điểm nào đó có cơ quan báo chí sẽ bỏ hoàn toàn báo giấy, chuyển thành báo điện tử để theo kịp xu thế. Đây thực sự là bài toán đau đầu của các cơ quan báo chí hiện nay. Một bên ta có bề dày truyền thống của phát triển báo giấy, một bên ta tận dụng khoa học công nghệ để phát triển tờ báo điện tử song song.

Tuy nhiên, do mô hình của các tòa soạn hiện nay dẫn đến nhiều tờ báo điện tử đang trở thành “bản sao” của báo giấy, chỉ thay đổi phương thức khi một bên dùng in ấn, một bên đưa lên internet.

Sự lúng túng này khiến các báo dùng dằng, không muốn bỏ cái nào để ưu tiên cái nào, nên cũng khó bứt phá. Tôi cho rằng, tờ báo điện tử mạnh không có nghĩa sẽ thay vị thế của báo giấy, báo giấy vẫn có thế mạnh lịch sử của nó, tồn tại đến khi nào chưa thể nhận định được.

12

Ông Phạm Mạnh Hùng 

Ông Phạm Mạnh Hùng (Tổng biên tập báo điện tử VOV):
Muốn bạn đọc nhớ đến, phải tạo ra uy tín

Hiện tượng báo chí đi sau, thậm chí bị “việt vị” với mạng xã hội về mặt tin tức hiện nay đã trở thành phổ biến và là nỗi lo ngại, trăn trở của hầu hết các tổng biên tập và những người làm báo có trách nhiệm. Hầu hết, những tin tức mà bạn đọc muốn đọc thì xuất hiện trên mạng xã hội trước. Việc của phần lớn các báo là xác nhận lại rồi thông tin hoặc bình luận một cách đầy đủ, chi tiết hơn mà thôi.

Sự lớn mạnh của mạng xã hội như facebook, youtube…với ưu thế vượt trội về công nghệ, khả năng cá nhân hóa nội dung cao độ khiến nhiều tờ báo lớn, kể cả các báo điện tử bị suy giảm nghiêm trọng về bạn đọc, kéo theo đó là doanh thu quảng cáo, tài trợ, khả năng gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội cũng suy giảm. Nguồn quảng cáo trên internet hiện nay đang bị những ông lớn như facebook và google chi phối tuyệt đối, khiến các tờ báo phải dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ thị trường rất chật vật. Bên cạnh đó, khá nhiều trang tin nặc danh, với đặc điểm là mở, tiện, tự do thoải mái, khó kiểm soát cũng là một đối trọng đáng ngại. Hiện nay, công nghệ đang thay đổi đến chóng mặt và nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động báo chí nói riêng và cả ngành công nghiệp sản xuất nội dung cho internet cũng như các thiết bị di động thông minh. Trừ những tờ báo có nguồn tài chính ổn định, còn lại muốn tồn tại, trụ vững trước sự xâm lấn dữ dội của mạng xã hội thì đều phải tìm cách thay đổi, định vị lại mình và tìm cách thích nghi.

Tất nhiên, trong cuộc sàng lọc này, tôi đã thấy một số tờ báo được tổ chức tốt, có nền tảng báo chí chuyên nghiệp, chủ động về công nghệ thì đã vượt lên, thu hút được bạn đọc, đảm bảo tài chính cho hoạt động của mình.  

Mặc dù không khó khăn như những đồng nghiệp khác, nhưng VOV.VN cũng đối diện với những thách thức như trên. Thêm nữa, tên gọi, tôn chỉ mục đích của tờ báo thuộc một cơ quan báo chí T.Ư (Đài Tiếng nói Việt Nam) khiến việc thay đổi bất kỳ điều gì, dù là công nghệ hay nội dung cũng phải cẩn trọng. Nhiều lúc vì thế mà cơ hội cũng vuột qua. Tôi cho rằng, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì bắt buộc VOV.VN phải có công chúng, giữ gìn và mở rộng được công chúng. Chúng tôi nhận thấy rõ thói quen của bạn đọc đã và đang thay đổi nhanh chóng. Thời gian dành cho mạng xã hội quá nhiều, trong khi thời gian để đọc báo  giảm đi. Nội dung của VOV.VN được thay đổi và cải thiện liên tục, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn đọc và của chính tòa soạn.

Một thách thức nữa không chỉ VOV.VN mà rất nhiều tờ báo phải đối diện, đó là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan, một sản phẩm báo chí được đầu tư công phu, tốn kém nhưng khi xuất bản có thể  bị sao chép không phép ngay lập tức. Khó khăn nữa là VOV.VN chưa thực sự chủ động được về mặt công nghệ. Đây là một rào cản rất lớn cho việc tối ưu hóa nội dung, làm hạn chế khả năng đưa tin tức đến đúng bạn đọc đang cần. Tôi cho rằng, với báo điện tử, vai trò của công nghệ, kỹ thuật chiếm đến 60%. Facebook đang thay đổi thế giới cũng bởi vì họ áp đảo hoàn toàn về công nghệ. Nói thực, chúng tôi cũng đang rất vất vả trong việc giữ chân từng bạn đọc, công việc này khó hơn 1-2 năm trước rất nhiều.

VOV.VN hoạt động với tư cách là tòa soạn  trực tuyến của cả Đài Tiếng nói Việt Nam, một cơ quan báo chí có bề dày truyền thống, với đội ngũ phóng viên đông đảo, rộng khắp trong nước và quốc tế, trên nền tảng của nhiều kênh phát thanh, truyền hình, báo giấy. Đó là một lợi thế, giúp chúng tôi có nguồn thông tin phong phú phục vụ bạn đọc. Nhiều nhà báo ở VOV đang quen dần cách viết tin tức cho báo điện tử. Đến nay, hầu hết các kênh phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có chuyên trang, là các subdomain của VOV.VN cũng góp phần tăng lượng công chúng đáng kể.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nó giúp báo chí muốn tồn tại phải làm báo thực thụ, chuyên nghiệp, đi vào những sản phẩm báo chí chất lượng cao mà mạng xã hội không có và không thể làm được. Muốn bạn đọc nhớ và tìm đến mình thì ngoài tốc độ, tòa báo phải tạo ra sự tin cậy và uy tín. Uy tín đến từ sự chính trực, không né tránh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Tôi nghĩ với bối cảnh hiện nay, đã đến lúc không nên đặt vấn đề đưa hay không đưa tin mà nên đặt vấn đề đưa như thế nào. Đưa tin, bình luận, phân tích như thế nào cho đúng đắn, thuyết phục phụ thuộc vào trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của mỗi tòa soạn. Làm được như vậy, báo chí sẽ vẫn giữ được vai trò dẫn dắt dư luận xã hội.

Vấn đề thứ hai là công nghệ, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông như hiện nay, nền tảng internet, hạ tầng viễn thông ngày càng sẵn sàng cho các báo điện tử, các kênh phát thanh, truyền hình. Có lẽ, vấn đề cốt tử của mỗi cơ quan báo chí là sản xuất nội dung sao cho thích ứng với mọi nền tảng và đa phương tiện. Sự cạnh tranh về tốc độ, sức sáng tạo, sự lôi cuốn và hấp dẫn của mỗi sản phẩm báo chí trở nên ngày càng gay gắt hơn vì bạn đọc sẽ ngày càng “bội thực” lựa chọn.  Có thể mọi người đều biết xu thế này, nhưng thích nghi được lại không dễ.

Nhiều tờ báo đang tận dụng hiệu quả kênh facebook và youtube… để lan tỏa nội dung của mình, coi đó là những kênh chủ lực để tiếp cận với công chúng và khách hàng. Chúng tôi phải thừa nhận là chưa giỏi và đang phải tích cực học hỏi. Điều an ủi là 5 năm trở lại đây, bạn đọc của VOV.VN vẫn tăng trưởng đều, thấp nhất đạt khoảng 10%/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.