Thế giới giao thông

Bảo hiểm có thể phải chi số tiền kỷ lục bồi thường vụ sập cầu ở Mỹ

28/03/2024, 07:51

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore có thể khiến các hãng bảo hiểm phải chi trả số tiền bồi thường lên đến 4 tỷ USD – con số ở mức kỷ lục cho việc đền bù một tai nạn tàu thủy.

Theo Reuters, các hãng bảo hiểm và chuyên gia phân tích đang tiến hành xác định những thiệt hại liên quan đến vụ sập cầu Francis Scott Key bao gồm các loại tài sản, hàng hóa, tàu thuyền, các khoản nợ, tín dụng thương mại và sự gián đoạn kinh doanh ngẫu nhiên do hiện vẫn chưa rõ khi nào cảng Baltimore mới có thể mở trở lại.

Bảo hiểm có thể phải chi số tiền kỷ lục bồi thường vụ sập cầu ở Mỹ- Ảnh 1.

Hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Ảnh: Reuters)

Giám đốc điều hành công ty đánh giá tín nhiệm bảo hiểm toàn cầu Morningstar DBRS Marcos Alvarez nhận định: "Dựa trên thời gian cảng bị phong tỏa cũng như những hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, số tiền bảo hiểm phải đền bù có thể vào khoảng từ 2-4 tỷ USD". Con số này có thể vượt số tiền bảo hiểm kỷ lục trước đó đền bù cho vụ tai nạn của chiếc du thuyền sang trọng Costa Concordia hồi năm 2012.

Ông Mathilde Jakobsen, giám đốc và đồng thời là nhà phân tích tại hãng đánh giá tín nhiệm bảo hiểm AM Best cũng cho rằng, số tiền bảo hiểm phải chi trả trong vụ này có thể lên đến vài tỷ USD.

Hiện Tập đoàn Quốc tế P&I Clubs là đơn vị chi trả bảo hiểm lớn nhất thế giới chiếm tới 90% số lượng các tàu vận tải xuyên đại dương. Các thành viên của tập đoàn này sẽ chia sẻ trách nhiệm bồi thường cho các vụ đòi bảo hiểm khác nhau có giá trị trên 10 triệu USD trên mỗi thành viên. Theo AM Best, số tiền bảo hiểm lớn nhất mà P&I Clubs đền bù có thể lên đến 3,1 tỷ USD.

Chuyên gia phân tích của hãng đánh giá tín nhiệm Moody's Brandan Holmes cho biết, khoảng 80% số tiền bảo hiểm sẽ được chi cho việc bù đắp thiệt hại của các tàu. "Thoạt nhìn số tiền bảo hiểm có thể khá cao nhưng đó sẽ không phải là vấn đề quá lớn cho các hãng bảo hiểm bởi chi phí này sẽ được chia sẻ giữa rất nhiều hãng với nhau", ông Holmes nói thêm.

Trong một thông báo, hãng bảo hiểm Britannia P&I cho biết, chiếc tàu Dali có trong danh sách bảo hiểm của P&I Clubs và hãng đang hợp tác chặt chẽ với quản lý của tàu cùng giới chức liên quan "để xác thực số liệu và đảm bảo rằng vụ việc này sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp".

Người phát ngôn của Viện Thông tin Bảo hiểm Loretta Worters cho biết, said AXA XL là hãng bảo hiểm đứng đầu trong việc chi trả những khoản phí ban đầu trong chương trình tái bảo hiểm IG với sự tham gia của nhiều hãng bảo hiểm toàn cầu khác. Trong khi đó, AON sẽ đóng vai trò đứng đầu về trung gian trong chính sách bảo hiểm tài sản cho cầu Francis Scott Key và Chubb sẽ lãnh trách nhiệm đứng đầu hoạt động bảo lãnh bảo hiểm này. Hiện cả 3 hãng AXA XL, AON và Chubb đều chưa đưa ra bình luận liên quan đến thông tin do Worters cung cấp.

IMPAN, một công ty phần mềm phân tích kinh tế, ước tính, chi phí xây dựng lại cầu có thể lên đến 600 triệu USD và số tiền này nhiều khả năng sẽ được chính quyền liên bang chi trả. Ngoài ra, việc cảng Baltimore tạm dừng hoạt động chỉ trong vòng 1 tháng cũng có thể khiến bang Maryland thiệt hại 28 tỷ USD.

"Sự gián đoạn về kinh tế và thiệt hại mà các doanh nghiệp và cá nhân ở Maryland và Baltimore phải gánh chịu sẽ nhanh chóng lan rộng và phải mất vài năm mới có thể phục hồi hoàn toàn", ông Julien Horn, đối tác tại Ports & Terminals and Logistics thuộc tập đoàn môi giới bảo hiểm McGill and Partners nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.