Quản lý

Bất ngờ với doanh thu của các hợp tác xã vận tải

09/09/2022, 18:29

Theo thống kê đến tháng 8/2022, trong lĩnh vực giao thông vận tải có khoảng 1.700 hợp tác xã vận tải, trong đó, đường bộ chiếm đa số.

Doanh thu bình quân hàng tháng của mỗi hợp tác xã đạt bao nhiêu?

Theo thống kê của Bộ GTVT từ báo cáo của các đơn vị, tính đến tháng 8/2022 trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) có khoảng 1.700 hợp tác xã (HTX) vận tải. Trong đó, đường bộ có khoảng 1.500 HTX, hàng hải có 6 HTX, đường thủy nội địa có khoảng 200 HTX.

img

Doanh thu bình quân của hợp tác xã vận tải hàng hoá đạt khoảng 300-700 triệu đồng/tháng

Báo cáo của một số doanh nghiệp cho thấy, doanh thu bình quân của HTX vận tải hàng hóa đạt khoảng 300 triệu đến 700 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân tháng của người lao động khoảng từ 4 triệu đến 6 triệu đồng.

Tại thời điểm tháng 8/2022, tổng số thành viên của HTX khoảng trên 30.000 người, trong đó số lượng thành viên mới tham gia vào HTX khoảng 5.000 người (chủ yếu là HTX vận tải đường bộ); số thành viên là cá nhân trên 20.000 người.

Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác có khoảng 2.600 người là cán bộ quản lý, trong đó số lượng cán bộ quản lý đạt trình độ đại học khoảng 1.000 người; sơ, trung cấp trên 1.500 người.

Theo Bộ GTVT, nhìn chung các HTX hoạt động hiệu quả, kinh doanh có lãi, có chiều hướng phát triển tích cực. Nhiều thành viên HTX đã chủ động đầu tư vốn mua sắm phương tiện mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

img

Nhiều HTX vận tải hoạt động trên danh nghĩa, hiệu quả chưa cao

Vẫn còn nhiều hợp tác xã vận tải hoạt động trên danh nghĩa

Theo Bộ GTVT, ở lĩnh vực vận tải đường bộ, hiện nay, tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước đều có HTX kinh doanh vận tải đường bộ; nhiều tỉnh, thành phố có số lượng HTX vận tải lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Các HTX tại các tỉnh, thành phố đã chủ động đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh các HTX kinh doanh vận tải đường bộ với số lượng phương tiện lớn, quy mô tổ chức bài bản, khoa học, công tác điều hành tập trung, xây dựng và duy trì thương hiệu vận tải thì vẫn còn tồn tại nhiều HTX hoạt động trên danh nghĩa nhưng thực chất chỉ là cá nhân đứng lên thành lập các dịch vụ làm thủ tục giấy tờ cho các hộ cá thể có phương tiện, có nhu cầu kinh doanh vận tải mà không quản lý được phương tiện, nhân lực...

Vì vậy, hiện tại có nhiều HTX đã tập hợp được một số lượng lớn xe kinh doanh vận tải nhưng không quản lý trực tiếp hoạt động vận tải, không tiếp cận được phương thức quản lý hiện đại, không tập trung xây dựng thương hiệu.

Chưa hết, tại nhiều HTX còn thiếu nhân sự quản lý có chuyên môn. Mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ khi áp dụng vào quản lý hoạt động kinh doanh vận tải còn chưa phù hợp nên chưa quản lý chặt chẽ được lái xe và hoạt động của phương tiện.

Các thành viên của HTX chưa quan tâm đến lợi ích tập thể khi tham gia HTX, gia nhập mang tính hình thức, hoạt động còn tự do. Vì vậy, một số HTX được thành lập và hoạt động nhiều năm nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, tích lũy từ hoạt động kinh doanh của HTX hầu như không đáng kể.

Ngoài ra, hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống với nhau và việc liên kết với các thành phần kinh tế khác còn ít và nội dung còn hạn chế.

Ở lĩnh vực hàng hải, tính đến tháng 8/2022, ngành hàng hải có 6 hợp tác xã với 85 thành viên. Đa số các HTX đều thành lập kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, tài sản là do các thành viên đóng góp và tự quản lý theo điều lệ và hoạt động theo nguyên tắc các cá nhân có tàu thuyền kinh doanh vận tải thì phải thông qua hợp tác xã để làm thủ tục về thể lệ vận tải.

HTX thay mặt thành viên ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hành khách và một số dịch vụ khác và hàng tháng phải nộp phí quản lý, tự khai thác, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh kể cả khi gặp rủi ro.

Chính vì thế, trong lĩnh vực hàng hải, mô hình về HTX vận tải chưa thực sự hiệu quả.

Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, đa số các HTX hoạt động theo loại hình dịch vụ hỗ trợ, chủ yếu là hiệu quả kinh doanh dịch vụ của thành viên. Phần lớn các HTX trong lĩnh vực này hoạt động ổn định, mở rộng luồng tuyến, các chi nhánh, trạm ở một số tỉnh, thành trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn do cạnh tranh thị trường nhưng nhìn chung các HTX vẫn duy trì được hoạt động, hiệu quả kinh doanh dịch vụ của HTX và thành viên từng bước được nâng lên, nhất là các HTX vận chuyển hành khách loại hình bến khách ngang sông.

Nhiều thành viên HTX đã chủ động đầu tư mua sắm mới phương tiện, nâng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng có chiều hướng phát triển tích cực. Tuy nhiên, do biện pháp quản lý, điều hành của một số HTX còn yếu, việc kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Cùng với một số điều kiện khách quan tác động, các đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa đang gặp nhiều khó khăn.

img

Bộ GTVT và các Sở GTVT tạo nhiều điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã vận tải hoạt động hiệu quả, phát triển

Tăng cường giám sát, hỗ trợ các HTX vận tải hoạt động hiệu quả

Bộ GTVT cho biết, hàng năm, Bộ và các Sở GTVT đều thực hiện các chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có các HTX vận tải, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh của HTX, góp phần phát triển các HTX đúng định hướng và đúng quy định.

Cùng với đó, hướng dẫn HTX thực hiện các Nghị định của Chính phủ, các Văn bản QPPL chuyên ngành, từ đó đưa hoạt động vận tải từng bước ổn định tạo điều kiện cho các HTX quản lý tốt hơn phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng phục vụ, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu TNGT, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, HTX tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về Luật HTX năm 2012.

Các Sở GTVT cũng đã ký kết Chương trình phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các ban ngành, cơ quan ở tỉnh để tăng cường hoạt động nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể.

Một số tỉnh thông qua hoạt động phối hợp đã vận động thành lập nhiều HTX mới như: Đắk Lắk, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.... Nhiều HTX GTVT được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp, Liên minh HTX tỉnh, Sở GTVT đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Bộ GTVT cũng phối hợp và đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng; cân đối ngân sách để đầu tư hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, phát triển mô hình HTX hoạt động hiệu quả; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển hoạt động vận tải theo hướng hiện đại, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Năm 2022, hoạt động vận tải đã từng bước được khôi phục trở lại, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc tăng giá xăng dầu đã tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các Sở GTVT tăng cường thực hiện các biện pháp để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải (bao gồm cả HTX vận tải) nhằm tạo thuận lợi nhất trong hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách, trong đó đã tập trung chỉ đạo sát sao đối với các vùng có dịch để giải tỏa hàng hóa, nông sản đến mùa vụ thu hoạch (như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh…).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.