Xã hội

Bất thường tại dự án nạo vét: Xe né trạm cân, bán cát không hóa đơn

28/04/2023, 10:49
image

Doanh nghiệp rầm rộ bán cát nhưng xe không qua trạm cân, không xuất hóa đơn, tỉnh Đắk Lắk chưa nhận được đồng tiền thuế nào.

Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép thực hiện “Dự án nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại hồ thủy điện Krông H’Năng, xã Cư Prao, huyện M’Drắk". Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát xuất bán theo quy định.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng ngày các phương tiện chở đầy ắp cát ì ạch rời bãi đều không qua trạm cân khiến khối lượng cát không được giám sát. Ngoài ra, việc mua bán cát tại đây không xuất hóa đơn gây thất thu thuế Nhà nước.

Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt phượng án hoạt động từ tháng 7/2021, doanh nghiệp nạo vét, rầm rộ bán cát nhưng tỉnh Đắk Lắk chưa nhận được một đồng thuế, phí nào.

img

Trạm cân giám sát khối lượng xuất bán cát để "làm cảnh", những chiếc xe "no cát" đi cạnh trạm cân. Ảnh: Hoàng Yến

Trạm cân có cũng như không

Trong vai tài xế, PV trên xe tải vào bãi cát của Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) mua cát. Từ quốc lộ 29 (QL29) chiếc xe tải rẽ phải vào con đường nhựa dẫn sâu vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), ngay đường vào có một barie chắn ngang, có người cảnh giới giám sát người ra vào. Lúc này, tài xế kéo kính nói đi mua cát, người đàn ông mới đồng ý kéo barie cho vào.

Di chuyển khoảng 500m xuyên Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, chiếc xe dừng tại căn nhà bên tay trái hỏi mua cát và lấy phiếu. Sau đó, nhóm thanh niên leo lên thùng xe, đo kích thước thành thùng để tính khối lượng cát của xe. Đo thùng, một thanh niên nói lớn với người ngồi bên trong ghi phiếu: “Xe 26 khối, trừ cho xe 10%, tính 23 khối”. Nhận phiếu xuất kho, tài xế thanh toán số tiền hơn 3,5 triệu đồng và yêu cầu xuất hóa đơn nhưng người ghi phiếu nói máy hư, không xuất được hóa đơn.

“Vài ngày nữa mới xuất được hóa đơn, nếu lấy hóa đơn thì thêm 65.000 đồng/1m3”, người đàn ông vừa nói vừa chỉ tài xế chạy thẳng vào bãi lấy cát.

Video: Xe "no cát" ì ạch né trạm cân

Tại bãi cát nằm sát mép hồ thủy điện, chiếc xe được múc đầy ắp cát, tài xế phủ bạt rồi di chuyển ra QL29. Qua quan sát, tại đây có trạm cân nhưng có dấu hiệu “bỏ hoang”, hầu hết các xe ra vào mua cát đều di chuyển theo lối mòn bên cạnh, không qua trạm cân.

Trước đó, PV ghi nhận hình ảnh tương tự, các xe vào mua cát, sau khi “ăn cát” rồi di chuyển theo con đường bên cạnh trạm cân để rời bến.

Tài xế cho hay: “Trạm cân chờ để hờ vậy thôi chứ có bao giờ cho cân xe gì đâu. Cứ vào mua cát, đưa tiền, múc cát rồi ra thôi. Một khối cát, nó hút lên bán 155.000 đồng, nếu lấy hóa đơn thì thêm 65.000 đồng nữa. Mà mấy khi nó xuất hóa đơn đâu”.

Rầm rộ bán cát, Đắk Lắk chưa thu được đồng thuế, phí nào

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng là đơn vị được giao thực hiện việc nạo vét và được phép tận thu cát theo giấy phép. Khoáng sản tận thu thực hiện kê khai rồi nộp tiền cấp quyền. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế, nộp tiền cấp quyền mới được bán.

img

Sau hơn một năm cấp phép, doanh nghiệp rầm rộ bán cát nhưng tỉnh Đắk Lắk chưa thu được đồng tiền thuế, phí nào. Ảnh: Hoàng Yến

“Hiện nay đơn vị có được phép bán cát ra thị trường hay không thì chưa dám chắc được hay chưa. Để cung cấp đầy đủ khối lượng, số liệu nạo vét, tận thu cát thì tôi phải tiếp tục đôn đốc các phòng chuyên môn cung cấp hồ sơ”, vị lãnh đạo này nói

Cũng theo vị lãnh đạo này, sản phẩm nạo vét, Sở giám sát khối lượng. Tuy chức năng là như vậy, nhưng về mặt thực tế thì con người không giám sát liên tục dưới đó (bãi tập kết) được, mà phải thông qua biện pháp kĩ thuật như: đặt trạm cân để giám sát, khống chế khai báo không đúng, lắp đặt camera theo quy định.

“Lắp đặt trạm cân mà không qua trạm cân là có thật. Khai thác khoáng sản nằm ở vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng kĩ thuật thì chưa hoàn thiện, có nhiều sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng, né tránh. Vì vậy, yêu cầu tính tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp, đồng thời có sự kiểm tra giám sát của các ngành chức năng liên quan”, vị lãnh đạo Sở TN-MT thừa nhận.

img

Đường vào bãi cát được lắp barie, cảnh giới người ra vào. Ảnh: Hoàng Yến

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Toản, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Doanh nghiêp kê khai, đóng thuế tài nguyên thì bán thôi. Sản phẩm hút lên được bao nhiêu thì có UBND huyện hoặc Sở TN-MT xuống đo đạc. Đo đạc xong, đơn vị đóng thuế cấp quyền, đóng xong thì đơn vị được xuất hóa đơn bán ra ngoài.

Từ ngày làm đến nay, khối lượng cát đạt trên 38.000m3 có chính quyền đo đạc, có văn bản không bao giờ sai. Lúc bán hàng thì có phiếu xuất kho và qua trạm câm giám sát”, ông Toản khẳng định.

Tuy nhiên, trước hình ảnh PV cung cấp xe, Công ty Sông Hồng xuất phiếu bán cát, xe không qua trạm cân, ông Toản nói: “Vấn đề này PV phải gặp kế toán bên Sông Hồng. Bên Sông Hồng có một đội ngũ kế toán ở đó, không phải chuyên môn nên không trả lời được”.

img

Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng xuất phiếu bán cát nhưng không xuất hóa đơn. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Nguyễn Bá Vụ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ea Kar - M’Drắk cho biết: Đến ngày 18/4/2023, Công ty Sông Hồng chưa thực hiện kê khai, nộp thuế cho tỉnh Đắk Lắk liên quan đến dự án nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại đoạn sông Krông H’Năng thuộc khu vực thượng lưu hồ thủy điện Krông H’Năng.

Công ty Sông Hồng chưa đăng ký thuế tại Đắk Lắk để thực hiện xuất bán cát, xuất hóa đơn. Chi cục Thuế đã ban hành 2 lần giấy mời, mời Giám đốc Công ty trực tiếp đến Chi cục Thuế để cung cấp hồ sơ, thực hiện kê khai nộp thuế đối với sản lượng cát khai thác trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn không cử người đến làm việc hoặc gửi văn bản.

Chi cục Thuế đề nghị Công ty Sông Hồng thực hiện kê khai và nộp tờ kê khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản phát sinh tại địa bàn huyện Ea Kar. Đồng thời, định kỳ trước ngày 5 hàng tháng, Công ty thực hiện gửi báo cáo, cung cấp số liệu khoáng sản qua trạm cân, camera giám sát gửi về Chi cục Thuế khu vực Ea Kar - M’Drắk.

img

Mặc dù là dự án nạo vét nhưng không khác gì dự án khai thác cát. Ảnh: Hoàng Yến

Theo ông Vụ, về nguyên tắc thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường (BVMT) là phải nộp tại nơi khai thác, cụ thể tại Kho bạc Nhà nước Ea Kar. Tuy nhiên, Công ty Sông Hồng chưa thực hiện việc này, đơn vị có kê khai thuế tài nguyên và phí BVMT tại Chi cục Thuế Ba Đình (cơ quan thuế quản lý trụ sở chính) với sản lượng tài nguyên tính thuế là 1.000 m³.

Căn cứ các quy định về quản lý Thuế, Chi cục sẽ làm văn bản gửi Chi cục thế Ba Đình, phối hợp điều chỉnh số thu này về ngân sách cho địa phương. Đối với việc, Công ty Sông Hồng bán cát xe không qua trạm cân, không xuất hóa đơn là sai, vi phạm quy định theo Luật Quản lý thuế và bị xử phạt theo quy định.

“Vừa rồi, Chi cục thuế tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn liên ngành vào kiểm tra kho bãi, chốt số lượng khai thác của Công ty Sông Hồng. Hiện đoàn đang tổng hợp biên bản, sau khi tổng hợp biên bản, Chi cục sẽ làm công văn gửi đơn vị yêu cầu kê khai số lượng.

Nếu đơn vị không chấp hành, Chi cục Thuế làm báo cáo gửi Cục thuế Đắk Lắk để Cục thuế làm văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường, trình UBND tỉnh để thu hồi giấy phép theo đúng trình tự”, ông Vụ nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.