Hàng hải

Bến 7, 8 Lạch Huyện sẽ cạnh tranh thế nào với các cảng khu vực?

22/04/2023, 16:12

Bến 7, 8 cảng biển Lạch Huyện ra đời có thể tạo nên sự cạnh tranh lớn cho cảng biển khu vực trong thời gian tới.

6 bến cảng đang được xây dựng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Theo đó, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là nhà đầu tư dự án.

img

Tại Lạch Huyện, các bến 3, 4, 5, 6 đang được triển khai xây dựng

Tại khu vực Lạch Huyện hiện nay, ngoài bến 1, 2 đang hoạt động, có 4 bến 3, 4, 5, 6 đang được thi công xây dựng. Đối với việc xây dựng cùng lúc 6 bến cảng, theo Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân, điều này sẽ tạo nên tính cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới khi các bến đi vào hoạt động.

Thậm chí khi các cảng mới xây dựng xong, nếu có năng lực khai thác và các trang thiết bị hiện đại hơn sẽ có thể hút nguồn hàng từ các cảng cũ.

Ông Lân chia sẻ, thời gian đầu tư xây dựng một cảng biển thường mất vài năm. Trong khi đó, đời sống của một dự án kéo dài khoảng 50 năm. Trong 10 năm đầu, lượng hàng có thể chưa có nhiều, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng tốt, thời gian cảng chờ hàng sẽ được rút ngắn.

“Có thể 5-7 năm đầu, cảng chưa có hàng nhưng vẫn có vài chục năm sau để khai thác. Theo thông lệ của các cảng lớn quốc tế, cảng biển phải luôn dư thừa một nửa năng lực. Không thể chờ cảng đầy hàng mới làm tiếp các bến sau”, ông Lân nói.

Giải thích rõ hơn về điều này, một chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển thông tin hiện nay, cảng HICT (khai thác bến 1, 2 Lạch Huyện) đã đón được khoảng hơn 1 triệu Teus hàng hóa, trong khi đó, cả khối cảng biển Hải Phòng đón được hơn 5 triệu Teus. Điều này cho thấy tiềm năng của cảng biển khu vực Lạch Huyện.

Ngoài ra, những hạn chế về luồng tại kênh Hà Nam, Bạch Đằng hiện tại có thể gây khó khăn trong việc phát triển các cảng biển tại khu vực này thời gian tới khi các hãng tàu có xu thế tăng kích cỡ. Điều đó có thể dẫn tới sự dịch chuyển hàng hóa ra phía cảng Lạch Huyện.

“Bến 7, 8 vẫn có thể ra đời khi các cảng khác chưa đầy. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ phải tính toán thị trường, tiềm lực, lãi suất... nhất là khi hiện nay còn chưa có đường sau cảng”, vị chuyên gia nhận định.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy mô Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện gồm 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan dài 200m, tiếp nhận tàu sức chở 160 Teus.

Đồng thời, có hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 12,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 1.918,896 tỷ đồng, vốn huy động khoảng hơn 10,8 nghìn tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm và tiến độ thực hiện dự án là 5 năm (2023 - 2027).

Đảm bảo nhà đầu tư đủ điều kiện được giao đất, cho thuê đất

Cũng tại Quyết định số 428 ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hải Phòng chịu trách nhiệm về các nội dung thẩm định hồ sơ dự án theo quy định. Thành phố phải bảo đảm nhà đầu tư có đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo tiến độ và các quy định về đầu tư, xây dựng và đất đai.

Thành phố cũng chịu trách nhiệm về xác định quy mô dự án, bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy hoạch được phê duyệt, cũng như tính chính xác các số liệu đánh giá, bảo đảm dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Cát Hải. Đồng thời, cập nhật các nội dung vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND TP Hải Phòng cũng được yêu cầu chỉ đạo nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan, tổ chức triển khai thực hiện dự án đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án, cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan. Phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình tổ chức triển khai dự án.

Bộ TN&MT được giao hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND TP Hải Phòng trong việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuân thủ các quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường và pháp luật liên quan.

Cùng đó, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường. Tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy trình thủ tục giao khu vực biển, cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định (nếu có).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp, hướng dẫn UBND TP Hải Phòng và nhà đầu tư rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án, bảo đảm đầu tư dự án phù hợp với Quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và các văn bản có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành với dự án trong quá trình triển khai đầu tư và quản lý, khai thác bến cảng.

Với vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Bộ Quốc Phòng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động và việc huy động vốn của Tân Cảng Sài Gòn theo tiến độ dự án, bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hải Phòng hướng dẫn nhà đầu tư đầu tư dự án bảo đảm tuân thủ các quy định về xây dựng và quy định pháp luật có liên quan. Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung Báo cáo kết quả thẩm định về chủ trương đầu tư dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.