Pháp luật

Bị đe dọa "sẽ bị bắt giam", người đàn ông suýt chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

07/09/2023, 21:10

Ngay khi nhận thông tin người đàn ông đến ngân hàng chuyển tiền có dấu hiệu là nạn nhân của vụ lừa đảo, lực lượng công an Thừa Thiên Huế đã phối hợp xác minh và ngăn chặn kịp thời.

Chiều 7/9, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng công an vừa phối hợp với phía ngân hàng kịp thời ngăn chặn vụ giả danh cơ quan công an để lừa đảo trên mạng.

Người đàn ông ở Huế bị kẻ giả danh cơ quan công an gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền - Ảnh 1.

Lực lượng công an kịp thời phối hợp ngăn chặn vụ người đàn ông bị đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện đe dọa và yêu cầu chuyển tiền. Ảnh minh họa

Theo đó, ngày 6/9, ngay khi nhận thông tin của một chi nhánh ngân hàng tại huyện Quảng Điền về việc một người đàn ông đến chuyển tiền có dấu hiệu là nạn nhân của vụ lừa đảo, lực lượng công an đã nhanh chóng phối hợp xác minh và kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo.

Nạn nhân của vụ lừa đảo trên ông Đào H (SN 1965, thôn An Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ông H bị đối tượng giả danh cơ quan công an thông báo hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa sẽ tiến hành bắt tạm giam nếu ông H không đặt tiền bảo lãnh và yêu cầu ông H chuyển số tiền 15 triệu đồng cho các đối tượng này.

Vì thiếu hiểu biết và hoảng sợ, ông H đã đi vay mượn, chuẩn bị đủ số tiền 15 triệu đồng và đến ngân hàng định chuyển số tiền trên cho đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, phía ngân hàng nơi ông H đến chuyển tiền thấy có dấu hiệu ông H là nạn nhân của vụ lừa đảo nên đã kịp thời thông báo cho công an và phối hợp giải thích rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng giả danh các cơ quan chức năng để ông H không chuyển số tiền trên.

Theo cơ quan công an, trong thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt cơ quan công an, viện kiểm sát… để gọi điện cho bị hại thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền, hoặc liên quan vụ án, chuyên án cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra, đã có lệnh bắt của Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt có và số tiền có trong tài khoản ngân hàng...

Sau đó, đối tượng lừa đảo dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt nạn nhân để điều tra và yêu cầu chuyển tiền hoặc đọc mà OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc điều tra, xác minh.

Đây là phương thức, thủ đoạn lừa đảo không mới của tội phạm trên không gian mạng nhưng nhiều người dân vẫn dễ dàng "sập bẫy".

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong trường hợp làm việc, xác minh, điều tra với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ công an đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.