Xã hội

Bi kịch thiếu vốn đầu tư, thừa tiền trong két không tiêu được

26/07/2017, 08:01

Bi kịch lớn nhất trong công tác giải ngân là tại kho bạc luôn có hơn 120.000 tỷ đồng nhưng không chịu tiêu...

10

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Sẽ cắt vốn của bộ, ngành chậm giải ngân

Ngày 25/7, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã làm việc với 13 bộ, cơ quan, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2017. Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 của bộ, cơ quan, địa phương, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay là trên 357.000 tỷ đồng (gồm 307.000 tỷ đồng vốn ngân sách, 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ). Số vốn Trái phiếu năm 2016 chưa phân bổ được, Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2017 là 16.500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỷ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trái phiếu là 323 tỷ đồng, đạt 0,6% tổng kế hoạch vốn. Vốn NSNN là gần 85.000 tỷ, đạt 27,6% tổng kế hoạch vốn. Phần vốn trái phiếu từ năm 2016 chuyển sang cũng mới giải ngân được 217/16.500 tỷ đồng, đạt 1,3%.

Bộ tự “vẽ” thêm thủ tục

Đại diện Bộ Ngoại giao tiếp thu phê bình của Thủ tướng, song cũng nêu lý do chậm trễ trong việc xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao là vốn Bộ KH&ĐT cấp chậm 6 tháng. Trước việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói ngay: “Bộ KH&ĐT tự “vẽ”, sáng tác thêm thủ tục, chứ chẳng có ai chỉ đạo, quy định nào như thế. Tiền giao cho chủ đầu tư từ năm ngoái chứ có phải cấp mới đâu? Cứ cho cán bộ ở bộ về địa phương là hiểu vấn đề ngay, cứ ngồi trong phòng lạnh sao hiểu hết được thực tế đời sống như thế nào”.

Theo Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư đang là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân.

“Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% - chạm trần nợ công Quốc hội cho phép. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế, việc huy động phát hành Trái phiếu Chính phủ xong rồi không tiêu được, chậm tiêu lại quay nằm ở ngân hàng là tiền luẩn quẩn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phân tích và thông tin, dư tiền gửi tại kho bạc luôn có hơn 120.000 tỷ đồng mà không tiêu được.

Truyền đạt lại lời của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 13 bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân thấp là: Bộ KH&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, TTXVN, Hội Cựu chiến binh VN, TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh (tỷ lệ chỉ từ 4% - xấp xỉ 20%).

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn chậm, theo ông Dũng, trước hết, do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vấn đề thủ tục, chỉ đạo không quyết liệt, năng lực đơn vị tư vấn. Hiện nay, có đơn vị có tiền không tiêu được do thủ tục, do giải phóng mặt bằng.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhắc lại ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp quyết liệt, ngay cả việc xét đến năng lực cán bộ, nếu không đáp ứng được thì thay thế. Còn nếu do giải phóng mặt bằng không tốt thì phải trực tiếp chỉ đạo. Tinh thần tập trung giải ngân tốt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vào trực tiếp làm. “Nếu như tháng 10 các đơn vị không giải ngân, Thủ tướng sẽ điều chuyển vốn. Năm ngoái, nơi nào giải ngân chậm, năm nay giao vốn cũng phải xem xét rất chặt chẽ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Lãnh đạo trốn họp

Giải trình vấn đề cụ thể của từng ngành, đại diện Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, tổng số vốn giải ngân hết tháng 6 của bộ là 54 tỷ đồng, đạt 13,3% kế hoạch được giao đầu năm (406 tỷ đồng). Đại diện Bộ KĐ&ĐT cho biết, bộ có 7/11 dự án chậm tiến độ. Trong đó có 3 dự án sử dụng vốn ODA hỗ trợ kỹ thuật; 4 dự án cải tạo, xây dựng trụ sở, điển hình là Học viện Chính sách phát triển giải ngân chưa được 20%, trong khi chiếm 50% số vốn cấp cho bộ. Lý do chậm do thay đổi quy định thẩm định giữa Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội “đùn đẩy” nhau mất 9 tháng.
Nghe lý do này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Chỉ thủ tục giữa bộ với bộ mà còn mất 9 tháng thế này thì địa phương với bộ còn mất bao lâu? Công khai việc này để thấy trách nhiệm của bộ”.

Theo Bộ Tài chính, có 13 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, tính tới ngày 15/6 chỉ đạt dưới 20%. Sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân tại các đơn vị này đã có chuyển biến tích cực, một số đơn vị đạt trên 20%. Cụ thể, tính tới ngày 17/7, tỷ lệ giải ngân các đơn vị này như sau: Bộ KH&ĐT 13,3%, Bộ Ngoại giao 5,1%, Bộ Y tế 16%, Ngân hàng Nhà nước 5,8%, Ủy ban Dân tộc 61%, TTXVN 8,5%, Hội Cựu chiến binh Việt Nam 4,5%, TP Hà Nội 33,4%, TP HCM 26%, Đà Nẵng 24,7%, Bình Dương 20,9%, Bình Phước 28,1%, Tây Ninh 22,9%.

Về phía địa phương, đại diện TP Đà Nẵng giải thích việc giải ngân chậm chủ yếu là “tắc” giải phóng mặt bằng. Đà Nẵng có dự án ODA rất lớn mà trước đây vốn ODA là giải ngân theo tiến độ dự án chứ không phải theo năm nên giải ngân chậm. Đề nghị được giải ngân theo tiến độ dự án. Về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu giải thích do quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, hàng năm đều phải giao vốn để kiểm soát bội chi, lãi vay vốn nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng tới đây cũng phải sửa quy định giao vốn theo năm, nhưng cũng chặt chẽ là không quá 5 năm như cấp vốn trung hạn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đã báo cáo Thủ tướng việc Đà Nẵng giải ngân chậm trong khi là nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm 2017. “Thủ tướng còn phải ngạc nhiên đặt câu hỏi sao Đà Nẵng giải ngân chậm thế?”, ông Dũng nói. Đặc biệt, ông Dũng cũng phê bình thẳng thắn khi yêu cầu nhiều bộ giải trình các vấn đề nhưng không có lãnh đạo dự họp. “Lãnh đạo các bộ “trốn sạch", chỉ mấy chuyên viên họp thay làm sao nắm được vấn đề”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngán ngẩm. Đồng tình, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu, thành viên Tổ công tác cũng băn khoăn: “Đi họp mà toàn mấy cán bộ trẻ mới đi làm thì làm sao nắm được tình hình?”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.