Làm báo cùng Giao thông

Bí mật “Ấn tín” Phủ Đặc ủy T.Ư tình báo của Ngô Đình Diệm

20/04/2015, 08:04

Tiểu sử của các viên tướng ngụy hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

17042015vthuy4111137782
Con dấu của "Phủ đặc ủy".

Năm 1961, Tổng thống ngụy quyền Ngô Đình Diệm đã thành lập ra Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, trụ sở đóng ở số 3, Bạch Đằng, TP Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Đây được coi là cơ quan “siêu quyền lực” của chế độ ngụy quyền với nhiệm vụ điều tra, thu thập tin tình báo chiến lược phục vụ chế độ Việt Nam Cộng hòa và các nước có liên quan; cố vấn cho chính phủ về an ninh quốc gia…

Các cựu chiến binh kể rằng, vào khoảng 10 giờ ngày 30-4-1975, một quả đạn pháo 130mm của Quân giải phóng bắn trúng bốt điện Phủ Đặc ủy. Một tiếng nổ cực lớn và tiếp theo là cả khu vực mất điện. Thế là thầy tớ, một đám tình báo, mật vụ cáo già sừng sỏ hoảng loạn, bỏ cả bàn tiệc, bỏ cả ấn tín, vũ khí, xe cộ, cả tài liệu cơ mật, cả danh sách các điệp viên chạy tháo thân.

Các chiến sĩ tình báo của ta, lúc đó thuộc Phòng Tình báo B2, đã có kế hoạch từ trước, nên ngay sau khi địch bỏ chạy, lực lượng ta đã xuất hiện, bảo vệ nguyên trạng Phủ Đặc ủy. Trong các phòng giam lúc đó, phòng hỏi cung, dấu máu của các chiến sĩ tình báo, giao liên bị tra tấn đây đó vẫn chưa khô. Hệ thống máy móc mật mã của ngụy rất hiện đại đã được giữ gìn nguyên vẹn... Đặc biệt, hệ thống con dấu, hồ sơ của Phủ Đặc ủy vẫn còn nguyên, địch tháo chạy đã không kịp hủy bỏ.

Cũng trong ngày 30-4-1975, lực lượng tình báo của ta vốn “lót ổ” sẵn trong Sài Gòn, chuẩn bị mọi mặt đón quân chủ lực tiến vào giải phóng Thành phố đã nhanh chóng có mặt, quản lý hồ sơ của địch ở các cơ quan đầu não, trọng yếu của ngụy quyền. Trong số hồ sơ của địch ta thu được, có rất nhiều bộ lý lịch của Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên, Ngô Quang Trưởng… vốn là những nhân vật chóp bu của ngụy quân, ngụy quyền nhưng trong giờ phút hoảng loạn do sức tấn công của ta, địch đã không kịp tẩu tán.

17042015vthuy5111138100
Tập phiếu tiểu sử của các tướng ngụy.

Xem lý lịch tự thuật của các viên tướng thì thấy Nguyễn Văn Thiệu rất tự hào về “thành tích học tập”. Ông ta đã khai rất kỹ các trường đã học, như Trường Sĩ quan Huế do thực dân Pháp đào tạo; rồi được qua Pháp học tiếp về chỉ huy bộ binh thực hành; rồi ra Hà Nội (năm 1952) tiếp tục được quan thầy Pháp huấn luyện lớp chiến thuật khóa I; đi Mỹ học chỉ huy tham mưu (năm 1956-1957); đến Trung tâm Quân sự Okinawa học về kế hoạch hỗn hợp năm 1958; sang Đại Hàn học về quan sát năm 1959 rồi dự khóa đào tạo về vũ khí tối tân ở Đại Hàn năm 1960… So với Nguyễn Văn Thiệu, “thành tích học tập” của Nguyễn Cao Kỳ không được dài như vậy. Ngoài việc học ở trường sĩ quan do Pháp huấn luyện năm 1952 và sang Mỹ học phi công, Nguyễn Cao Kỳ đành khai cả việc đã đi học khóa 13 về cách thức dồn dân, lập ấp chiến lược ở suối Lô Ồ do cố vấn Mỹ hướng dẫn trong không đầy hai tuần.

Điểm chung của các viên tướng ngụy, qua các trang tiểu sử tự thuật là đều được quan thầy Pháp và quan thầy Mỹ cho đi đào tạo khá cơ bản về quân sự. Nhưng trước bước tiến thần tốc của quân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, họ đều nhanh chân “chuồn” khỏi Sài Gòn từ rất sớm. Tổng thống Dương Văn Minh do Mỹ dựng lên vội vàng với hy vọng sẽ làm chậm bước tiến của Quân giải phóng cũng không thành công và đành chấp nhận đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4-1975.

Những con dấu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, cũng như tiểu sử của các viên tướng ngụy hiện được trưng bày tại Bảo tàng Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.