Hỏi - Đáp

Bị tạm giữ giấy tờ xe mà không lập biên bản có trái luật?

27/08/2023, 10:49

Theo luật sư, lực lượng chức năng khi tạm giữ những giấy tờ liên quan của người vi phạm giao thông thì bắt buộc phải lập biên bản.

Bạn đọc Phùng Phú Dũng (Bắc Giang) hỏi: Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông phạm luật giao thông, chủ phương tiện đưa đăng ký xe, đăng kiểm và giấy phép lái xe cho cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, nếu CSGT muốn tạm giữ những giấy tờ này thì có cần lập biên bản không?

Bị tạm giữ giấy tờ xe mà không lập biên bản có trái luật - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khi tạm giữ những giấy tờ liên quan của người vi phạm giao thông thì bắt buộc phải lập biên bản.

Về nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị (đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Khoản 2 điều 82, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt quy định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.

Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc (ghi trong biên bản vi phạm hành chính), người vi phạm vẫn chưa đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Theo quy định trên thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ giấy tờ liên quan đến người điều khiển phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.

Bị tạm giữ giấy tờ xe mà không lập biên bản có trái luật - Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Tuy nhiên, Khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản.

Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm.

Trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của hai người làm chứng.

Biên bản phải được lập thành hai bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ một bản, người vi phạm giữ một bản.

"Như vậy, lực lượng CSGT tạm giữ những giấy tờ liên quan của người vi phạm thì bắt buộc người tạm giữ (CSGT) phải lập biên bản tạm giữ giấy tờ. Trường hợp tạm giữ giấy tờ mà không lập biên bản tạm giữ là trái luật", luật sư Lực cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.