Thế giới giao thông

Bị tố “bí mật động trời”, Boeing đáp lại thế nào?

27/04/2024, 09:49

Giữa lúc đang phải xoay xở giải quyết hàng loạt sự cố về an toàn hàng không, Boeing lại phải đối mặt với những tố cáo được xem là "bí mật động trời" liên quan việc coi trọng tiến độ hơn an toàn của các dòng máy bay 777 và 787.

Phớt lờ báo cáo của nhân viên?

Trung tuần tháng 4, ông Sam Salehpour, một cựu kỹ sư hàng không từng làm việc trong dây chuyền sản xuất lắp ráp ít nhất 1.400 máy bay thuộc dòng 777 và 787 suốt hơn một thập kỷ, đã xuất hiện tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ. Bốn người khác cũng có mặt tại đây để làm chứng.

Tại Thượng viện, ông Salehpour nói rằng mình xuất hiện ở đây vì cảm thấy bản thân phải hành động mạnh mẽ, không thể để xảy ra thêm một vụ tai nạn nào liên quan tới dòng máy bay 787 hay 777 nữa.

"Tôi đã nhiều lần báo cáo lên quản đốc cùng quản lý của Boeing về những khoảng trống giữa các khớp nối trên máy bay 787 do trước đó không đo đạc phù hợp hoặc thiếu miếng đệm giữa hai khớp nối chính. Tôi đã đề nghị dừng sản xuất để kiểm tra", vị cựu kỹ sư có kinh nghiệm 40 năm trong ngành hàng không nói.

Bị tố “bí mật động trời”, Boeing đáp lại thế nào?- Ảnh 1.

Cựu kỹ sư Sam Salehpour lau nước mắt khi ra làm chứng trước Thượng viện Mỹ.

Salehpour phát hiện trên 29 máy bay có nhiều khoảng trống lớn và dù đã báo cáo nhưng không được giải quyết đúng mức. Một số trường hợp khác, các lỗ hổng được bít lại bằng mảnh vụn. Ông cho rằng, những chiếc Boeing 787 được sản xuất như vậy sẽ có nguy cơ tai nạn thảm khốc.

"Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận báo cáo, ban lãnh đạo Boeing đáp lại bằng thái độ phớt lờ. Họ nói tôi đừng cản trở, làm chậm dây chuyền. Thậm chí, tôi đã bị đe dọa", ông kể lại.

Salehpour cho biết, đây chỉ là một sự việc điển hình trong cách thức phản ứng của Boeing mỗi khi có kỹ sư báo cáo quan ngại về vấn đề an toàn: "Văn hóa của họ là coi tiến độ cao hơn an toàn, sẵn sàng trừng phạt những nhân viên dám lên tiếng".

Cùng tham gia tố giác trong phiên điều trần, Giáo sư hàng không Shawn Pruchnicki, làm việc tại Đại học Bang Ohio đề cập đến hệ thống phần mềm bị lỗi – một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chết người của 737 MAX. Ông cáo buộc Boeing đã lén lút đưa hệ thống lỗi này vào quá trình chứng nhận.

Tại phiên điều trần, cũng có nhiều chỉ trích, cho rằng Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã không giám sát Boeing chặt chẽ.

Phản ứng của Boeing

Về phần mình, Boeing bác bỏ các cáo buộc trên, khẳng định không có bất cứ lỗ hổng nào về an toàn trong dây chuyền sản xuất máy bay 787. Hãng cho rằng, mỗi chiếc 787 có thể hoạt động an toàn trong ít nhất 30 năm, sau đó mới cần mở rộng quy trình bảo trì khung máy bay.

Bị tố “bí mật động trời”, Boeing đáp lại thế nào?- Ảnh 2.

Boeing đang phải xoay xở giải quyết hàng loạt sự cố về an toàn hàng không (ảnh minh họa).

Chia sẻ với Business Insider, đại diện Boeing nhấn mạnh luôn khuyến khích nhân viên minh bạch. Kể từ khi xảy ra vụ tung cửa phụ trên máy bay 737 Max của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1, số lượng đơn báo cáo đã tăng chóng mặt.

"Số thư báo của nhân viên qua cổng thông tin "Speak up" của chúng tôi đã tăng 500% so với năm 2023, cho thấy sự thay đổi về văn hóa báo cáo nhanh không sợ hãi hay lo bị chèn ép", vị này nói.

Về hai dòng máy bay thân rộng 787 và 777, Boeing khẳng định những cáo buộc của ông Salehpour không đúng. Thực tế hãng đã nỗ lực để đảm bảo chất lượng và an toàn lâu dài của dòng máy bay này.

"Chúng tôi đã thực hiện kiểm tra trên quy mô lớn và nghiêm ngặt đối với thân máy bay, kiểm tra bảo dưỡng kỹ lưỡng đối với gần 700 máy bay đang hoạt động. Cho đến nay, chưa phát hiện tình trạng khung máy bay bị yếu", đại diện Boeing quả quyết.

Kêu gọi điều tra toàn diện

Hiện tại, vẫn chưa biết kết quả của các cuộc điều tra hình sự và hành chính đang diễn ra đối với Boeing với những lo ngại về an toàn gần đây sẽ như thế nào hoặc hậu quả đối với Boeing ra sao.

Song, trước áp lực của dư luận, Giám đốc điều hành Dave Calhoun của Boeing tuyên bố ông sẽ từ chức vào cuối năm nay. Boeing cũng tiến hành một cuộc điều tra gian lận đối với các vụ tai nạn 737 MAX trước đó, đồng thời đồng ý trả 2,5 tỷ USD để giải quyết vụ việc, tránh bị kết án hình sự.

Về phía FAA, cơ quan này khẳng định những chiếc 787 hiện đang bay đều tuân thủ quy định. Bản thân Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby, lãnh đạo một hãng bay sử dụng nhiều sản phẩm của Boeing cũng khẳng định "hoàn toàn tin tưởng 787 là loại máy bay an toàn".

Song, các nhà lập pháp Mỹ không khỏi lo lắng trước nhiều lời khai cho rằng, quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng trong toàn bộ đội bay của Boeing thường xuyên gặp vấn đề.

Thượng nghị sĩ Ron Johnson kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra toàn diện, đồng thời thực hiện thêm các phiên điều trần trong thời gian tới để lắng nghe ý kiến của các phi công, hãng hàng không và các nhân chứng khác.

Theo Business Insider, Channel New Asia, VOX

Cách đây không lâu, một người tố cáo Boeing là John Barnett, cựu giám đốc chất lượng từng làm việc tại nhà máy của Boeing ở Nam Carolina đã được phát hiện tử vong bí ẩn do vết thương tự gây ra. Vài ngày trước đó, ông vừa đưa ra bằng chứng kiện Boeing và tòa vẫn đang trong quá trình xem xét đơn kiện.

Ông này từng cáo buộc Boeing quá vội vàng đưa máy bay mới ra khỏi dây chuyền sản xuất, khẳng định các bộ phận bị lỗi đã được cố tình lắp vào máy bay và khoảng 1/4 số mặt nạ dưỡng khí thả xuống không hoạt động. Sau khi nghỉ hưu vì lý do sức khỏe, ông Barnett đã khởi kiện Boeing, cáo buộc công ty trả thù ông vì đã lên tiếng nhưng Boeing phủ nhận.

Hiện, chưa rõ kết quả điều tra cái chết của ông song theo thông tin từ American Prospect, một số đồng nghiệp cũ của Barnett không tin rằng ông chết do tự sát.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.