Xã hội

Bỏ chức danh trưởng công an xã, tăng công chức cấp xã theo quy mô dân số

10/06/2023, 15:22

Theo quy định mới, chức danh trưởng công an xã không còn; số lượng cán bộ, công chức cấp xã không còn bó buộc theo mức khoán cứng.

Ngày 10/6, Chính phủ ban hành nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; có hiệu lực thi hành từ 1/8/2023.

img

Công an phường Kim Mã bảo đảm an ninh trật tự đường phố, trật tự đô thị trên địa bàn (Ảnh minh họa)

Theo nghị định, các phường, xã được tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số và diện tích, ngoài số lượng đã được quy định.

Với phường thuộc quận, tăng thêm dân số 1/3 mức quy định sẽ có thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách. Với đơn vị hành chính cấp xã còn lại, tăng thêm dân số 1/2 mức quy định sẽ có thêm một công chức.

Ngoài ra, mỗi xã, phường có diện tích gấp đôi quy định sẽ được tăng thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phường có diện tích từ 5,5 km2; phường thuộc quận có dân số từ 15.000; phường thuộc thành phố hoặc tỉnh có dân số từ 7.000 người; phường thuộc thị xã có từ 5.000 người.

Xã miền núi, vùng cao có diện tích từ 50 km2; dân số 5.000; xã khác diện tích từ 30 km 2; dân số từ 8.000.

Theo quy định hiện hành, các phường (từ loại 1 đến 3) có tối đa 23 cán bộ, công chức, tối thiểu 19 người; xã và thị trấn có tối đa 22 cán bộ, công chức, tối thiểu 18 người.

UBND cấp tỉnh sẽ trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Tuy nhiên, tổng cán bộ, công chức xã không được vượt số lượng quy định đã giao cho từng huyện.

Chính phủ cũng bỏ chức danh trưởng công an xã, bởi công an chính quy đã được bố trí ở cấp xã.

Nghị định vẫn giữ quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận.

HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể chức danh, số người tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố đảm bảo phù hợp thực tiễn.

Thời gian qua, nhiều phường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có dân số đông, trong khi số lượng công chức theo quy định chỉ có 15 người mỗi phường, dẫn đến quá tải khi giải quyết thủ tục hành chính.

Tại TP.HCM, bình quân mỗi phường của thành phố hiện có gần 28.400 người, gấp 1,89 lần quy định (15.000 dân mỗi phường). Mật độ dân số ở các quận 3, 4, 5, 10, 11 lên đến hơn 37.000 người mỗi km2, cao hơn bình quân chung của thành phố - hơn 14.300 người.

Trung bình, mỗi cán bộ, công chức phường tại TP.HCM đang phục vụ hơn 1.340 người. Ở phường đông dân nhất thành phố là Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với hơn 123.000 người, bình quân mỗi cán bộ, công chức giải quyết 270 hồ sơ mỗi tháng.

Vì vậy, từ giữa năm 2022, TP.HCM đã đề xuất tăng thêm biên chế công chức cho các phường lần lượt: dưới 30.000 dân là 17 công chức; trên 45.000 dân là 18 công chức; trên 75.000 dân là 20 công chức; trên 90.000 dân là 21 công chức; trên 105.000 dân là 22 công chức và trên 120.000 dân là 23 công chức.

Tại Hà Nội, phường ít dân nhất là hơn 5.000 (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), cao nhất gần 83.000 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).

Tại TP Đà Nẵng, phường có dân số thấp nhất trên 7.500 (phường Nam Dương, quận Hải Châu) và cao nhất hơn 65.000 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Bộ Nội vụ đề xuất mỗi phường cứ tăng thêm 20.000 dân thì có thêm một biên chế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.