Xã hội

Bộ Công an đề xuất tình huống CSGT dùng vũ lực khi người vi phạm chống đối

08/04/2024, 06:15

Người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định để phòng vệ chính đáng.

Cảnh sát được làm gì nếu bị chống đối?

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ được Bộ Công an (đơn vị soạn thảo) vừa hoàn thiện, cơ quan này đề xuất một số quy định về ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ.

Cụ thể, điều 72 dự thảo Luật nêu rõ, khi người tham giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ, lực lượng thi hành nhiệm vụ được quyền thực hiện một số biện pháp.

Bộ Công an đề xuất tình huống CSGT dùng vũ lực khi người vi phạm chống đối- Ảnh 1.

Trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 51 vụ chống đối cảnh sát giao thông (CSGT), hậu quả làm 21 cảnh sát bị thương.

Đầu tiên, lực lượng chức năng giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, giải thích quyền và trách nhiệm của người vi phạm, thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát.

Khi người vi phạm không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật, cán bộ chức năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Cũng theo dự thảo, trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí cần tùy theo tình huống, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi của người vi phạm.

Còn trong trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy, người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Vũ khí được trang bị cho CSGT

Tại điều 69 của dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Bộ Công an cũng đề xuất trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ khi tuần tra, kiểm soát.

Theo đó, lực lượng CSGT được trang bị phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy giao thông; vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Bộ Công an đề xuất tình huống CSGT dùng vũ lực khi người vi phạm chống đối- Ảnh 2.

CSGT được trang cấp 8 loại súng theo Thông tư 32/2023.

Còn các lực lượng tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, các lực lượng trên được sử dụng thiết bị lưu trữ dữ liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trật tự, ATGT đường bộ; phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ và các vi phạm pháp luật khác.

Dự thảo còn nêu, vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, cảnh sát giao thông được trang bị: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.

Ngoài ra, lực lượng tuần tra được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm cảnh sát, trên phương tiện giao thông. Mục đích để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.