Xem xét, xử lý các thương nhân không thực hiện kế hoạch
Chiều nay, 2/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, đầu năm dự báo tăng trưởng 6,5-7% GDP, do đó, sản lượng phân giao cũng dự báo tăng thêm 15% năm 2021. Đến tháng 2, tiếp tục giao tăng 20% từ thời điểm quý 2 trở đi.
"Nghĩa là sản lượng phân giao đã đủ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước ở mức 7,5-8% GDP", Ông Diên nói.
Một số cây xăng tư nhân đóng cửa, gây áp lực cho các cây xăng nhà nước như Petrolimex
Tuy nhiên, thời gian qua, theo ông Diên, đã xuất hiện một số doanh nghiệp (DN) thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho.
Theo đó, trong số 36 DN đầu mối thì chỉ có 22 DN đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch vào đầu năm và bổ sung.
Còn lại 14 DN, hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân đã chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ, các địa phương cần phải xem xét, xử lý các DN này theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nhà nước phải nỗ lực hết sức
Trước bối cảnh này, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm DN Nhà nước thể hiện vai trò của mình. Từ DN sản xuất đến DN đầu mối đều phải nỗ lực hết mình.
"Các DN sản xuất phải tiếp tục nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt", ông Diên nói.
Với các DN có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu, Bộ trưởng Công thương cũng giao cho, ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình, thì phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
"Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại DN đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Với tinh thần như vậy, người đứng đầu Bộ Công thương đề nghị với vai trò, trách nhiệm chính trị của mình, các DN nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu cần báo cáo thẳng thắn kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua trong việc nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Với vai trò là DN nhà nước, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, năm nay, tình hình ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực xăng dầu nói riêng trên thế giới đang hết sức khó khăn.
Đặc biệt từ tháng 11, OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và Nga giảm sản lượng xuất khẩu, sẽ tạo áp lực lớn lên nguồn cung dầu thô và xăng dầu toàn cầu cũng như Việt Nam.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn đã đảm bảo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn hoạt động ổn định với công suất cao hơn công suất thiết kế, ở thời điểm hiện tại đạt 109% công suất.
Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác để vận hành nhà máy ổn định, đảm bảo sản lượng sản xuất và giao hàng cho thương nhân đầu mối đủ hoặc cao hơn hợp đồng đã ký kết.
Hiện Nghi Sơn đang hoạt động 100% công suất. Cụ thể, năng lực sản xuất của 2 nhà máy đạt 4,1-4,3 triệu m3/quý, tương đương 45.000-50.000 m3/ngày, trên tổng nhu cầu thị trường trong nước khoảng 5,5 triệu m3/quý.
Trong những tháng tới, ông Hùng cho biết, Petrovietnam sẽ tiếp tục hỗ trợ các giải pháp để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.
Còn ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, với tinh thần DN nhà nước, đơn vị đã chấp nhận thiệt thòi về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để đảm bảo nguồn.
Cụ thể, trong 9 tháng, Petrolimex đã tạo nguồn 7.347.000 m3/tấn xăng dầu, vượt 26% so với kế hoạch được phân giao trong 9 tháng là 5.775.000 m3/tấn, tương đương 95% kế hoạch được phân giao cả năm 2022 là 7,7 triệu m3/tấn.
Tập đoàn cũng đã nhập khẩu đến 140% so với sản lượng nhập khẩu bổ sung Quý II được giao theo Quyết định 242 của Bộ Công thương, gồm nhập khẩu 42% và tạo nguồn trong nước 58%.
Bộ trưởng Công thương cho rằng, doanh nghiệp nhà nước phải nỗ lực hết sức
Ông Hùng cũng cho biết, với căng thẳng hiện nay, Tập đoàn đã phối hợp với địa phương để tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải được chở hàng trong giờ cao điểm.
Đơn cử, tại TP. HCM, từ đầu tháng 10 đã tăng từ 90 lên đến 180 lượt xe/ngày, hay tại Hà Nội cũng tăng thêm 40-50 lượt xe được chạy vào giờ cao điểm nếu cần thiết.
Dù vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, sức chống chịu của DN cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại...
6 giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Công thương cho rằng, nguồn cung đã hiếm thì ngày càng khó khăn trong thời gian tới.
Bởi, mùa đông châu Âu đang đến gần và hạn cuối của lệnh trừng phạt Nga lần thứ 8 sẽ đến gần, trong khi vấn đề năng lượng là vấn đề toàn cầu và khủng hoảng năng lượng đã và đang rất gay gắt.
Thứ hai là tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao, tỷ giá ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh, chủ yếu để nhập khẩu xăng dầu biến động hàng giờ; các chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng cao...
Về tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung ở một số vùng, miền, theo Bộ trưởng Diên: "Lý do được cập nhật đến thời điểm này là tỷ giá tiếp tục biến động rất ghê gớm và sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn Châu Âu ngày càng gay gắt".
Do đó, lãnh đạo Bộ Công thương nêu lên 6 giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Đó là, các DN nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại; Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng; tiếp tục kiểm tra, giám sát các vi phạm; DN phải đồng bộ nhất quán để kiến nghị tháo gỡ vướng mắc;...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận