Thời sự

Bổ nhiệm cán bộ hàng loạt: Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói gì?

11/04/2014, 13:44

Trao đổi với báo chí vào sáng nay, ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, so với quy định của Chính phủ, việc bổ nhiệm cán bộ cấp cục, vụ của TTCP là vượt quá số lượng.

Trao đổi với báo chí vào sáng nay (11/4), ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) thừa nhận, so với quy định của Chính phủ, việc bổ nhiệm cán bộ cấp cục, vụ của TTCP là vượt quá số lượng.

Theo ông Lượng, sau khi sự việc xảy ra, TTCP đã xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức để sửa chữa.

Ông Trần Đức Lượng (bên phải) trao đổi với báo chí
Ông Trần Đức Lượng (bên phải) trao đổi với báo chí

Cán bộ vừa được bổ nhiệm đã vi phạm pháp luật

Trong thời gian 8 tháng đầu năm 2011, TTCP đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ cấp vụ, cấp phòng. Việc này có làm trái với quy định của pháp luật, thưa ông?

Năm 2010, TTCP có quy chế về bổ nhiệm hàm cấp vụ. Trên cơ sở quy chế đó, trong 8 tháng đầu năm 2011, TTCP có bổ nhiệm 23 cán bộ hàm cấp vụ. Các đồng chí đó đã có quá trình công tác đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, trong công tác thanh tra, đối tượng thanh tra của TTCP là các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh, cho nên khi xác lập một địa vị pháp lý thì cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí ấy làm việc, đồng thời cũng là để thúc đẩy hiệu quả công tác được tốt hơn. Thời điểm đó, TTCP vừa thành lập thêm 3 đơn vị mới là: Vụ Giám sát, Vụ Thẩm định giám sát và xử lý sau thanh tra, Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp tiếp dân và đơn thư nên cần phải bổ nhiệm thêm nhân sự mới. Với số lượng cán bộ để chuẩn bị cho 3 đơn vị mới, tối thiểu phải có 10 cán bộ cấp vụ, 15 cán bộ cấp phòng, cộng thêm 23 cán bộ được bộ nhiệm hàm vụ trưởng đã làm cho con số cán bộ được bổ nhiệm trong 8 tháng đầu năm 2011 đội lên khác với bình thường.

Tuy nhiên, so với quy định của Chính phủ thì việc bổ nhiệm như vậy là quá số lượng. Chính phủ quy định một vụ chỉ có 1 vụ trưởng và không quá 3 vụ phó. Còn ở đây có đến 4 vụ phó, thậm chí 5 vụ phó, như vậy là vượt so với quy định. Thứ hai là có một vài trường hợp chưa bảo đảm điều kiện về thời gian công tác, thiếu chứng chỉ lý luận chính trị, cá biệt có những trường hợp sau khi bổ nhiệm với thời gian rất ngắn đã vi phạm pháp luật đến mức phải cách chức.

Rõ ràng chúng tôi phải tự kiểm điểm là có khuyết điểm. Chúng tôi đã xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, từng tổ chức và đã có kế hoạch để sửa chữa.

Vậy những nội dung sửa chữa đó là gì thưa ông?

Thứ nhất, mặc dù đã có quy chế bổ nhiệm cán bộ, nhưng tập thể ban cán sự và lãnh đạo TTCP đã ra nghị quyết không bổ nhiệm cán bộ hàm cấp vụ, các đồng chí được bổ nhiệm trước đó hiện nay cơ bản đã về hưu, còn một số đồng chí sẽ về hưu trong năm 2014 và 2015. Một trường hợp vi phạm pháp luật đã bị cách chức, 3 trường hợp không đáp ứng được nhiệm vụ đã phải miễn nhiệm. Tập thể những đơn vị có thiếu sót, khuyết điểm đã phải kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật.

Cán bộ thanh tra hưởng thu nhập thế nào?

Liên quan đến công tác kê khai tài sản cán bộ, ông có thể cho biết thu nhập của cán bộ ngành thanh tra hiện nay?

Thanh tra viên cũng là công chức, thu nhập của thanh tra viên dựa trên thang bảng lương quy định của nhà nước, bên cạnh đó, thanh tra viên có thêm một số phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề. Ngoài ra, một số người làm công tác tiếp dân còn có thêm tiền bỗi đưỡng. Thanh tra Chính phủ và và ngành thanh tra còn có thêm một nguồn thu nữa trích lại từ nguồn phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi và đã thực thu vào ngân sách nhà nước. Quỹ đó được sử dụng để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, nhưng cũng có một phần dùng để chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra.

Vậy ông giải thích thế nào về việc nhiều lãnh đạo ngành thanh tra sở hữu những khối tài sản "kếch xù" như báo chí và dư luận thời gian qua vừa nêu?

Điều này không khó lý giải, bởi nguồn gốc tài sản của cán bộ thanh tra hay của cán bộ công chức, rồi của người dân không chỉ tính bằng thu nhập của chính người đó mà còn của các thành viên trong gia đình. Có gia đình bố làm thanh tra nhưng vợ kinh doanh, gia đình khác bố làm thanh tra nhưng con kinh doanh, thì việc những cán bộ ngành thanh tra có những khối tài sản lớn cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Chúng ta không nên gắn thu nhập của một người với khối tài sản phải kê khai.

Về khối tài sản kê khai không minh bạch của Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh và ông Lê Sỹ Bảy, Phó vụ trưởng Vụ I (TTCP) được chính cán bộ của ngành thanh tra tố cáo đến một số cơ quan báo chí. Ông có bình luận gì không?

Tôi khẳng định rằng, trong nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ không thể tuyệt đối không có chuyện tố cáo nội bộ. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa thấy có chỗ nào phát hiện tài sản của hai người này là không minh bạch cả. Có trường hợp đã được cơ quan chức năng kiểm tra và  kết luận tài sản thực tế và kê khai là hoàn toàn trùng khớp nhau. Còn trường hợp khác thì không phải là kê khai một lần. Theo quy định, hàng năm những người thuộc diện kê khai phải kê khai, cho đến nay chúng tôi cũng chưa có thông tin nào về việc kê khai hàng năm của đồng chí này có sự sai lệch giữa tài sản thực tế với tài sản kê khai.

Cảm ơn ông!

Đình Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.