Xã hội

Bỏ quy định thời hạn sở hữu chung cư

19/06/2023, 15:06

Theo Bộ trưởng Xây dựng, Chính phủ thống nhất không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đây được đánh giá là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

img

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm

Thảo luận trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng tập trung vào quy định sở hữu chung cư.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), việc xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết. Bởi theo ông, nhà ở có tuổi thọ nhất định, sau thời gian cần được cải tạo, xây mới để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng.

img

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng tình trạng khó khăn trong việc phá dỡ, cải tạo chung cư cũ hiện nay xuất phát từ quy định nhà chung cư cũ được sở hữu vĩnh viễn (không thời hạn).

"Hiện, chung cư cũ còn thấp tầng, nhà đầu tư có thể nâng cao tầng, có điều kiện để thỏa thuận, đền bù cho người dân.

Tuy nhiên, tương lai khi nhà chung cư đều cao tầng thì không có nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền ra mà người dân phải tự chi trả. Mặt khác, khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng thì quyền của cư dân ở nhà đó không còn gì, có chăng chỉ còn quyền duy nhất ghi trên giấy chứng nhận sở hữu nhà", đại biểu Cường phân tích.

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Từ đó, ông cho rằng, cần quy định thời hạn sở hữu chung cư theo thời hạn công trình thiết kế. Khi đó, người dân sở hữu nhà sẽ có lợi vì họ chỉ trả tiền sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế thay vì trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn và giá nhà cũng sẽ khác so với khi quy định được sở hữu vĩnh viễn.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị nếu đến thời hạn công trình thiết kế, tiến hành đánh giá nhà ở vẫn đảm bảo thì quyền sở hữu của người dân được kéo dài. Hơn nữa, đất giao cho xây dựng nhà chung cư phải là đất cho thuê theo thời hạn xây dựng, khi hết thời hạn thì cho thuê xây dựng lại.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) lại lấy dẫn chứng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận bất bình đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là thành phố có giá đất đắt đỏ, thành phố du lịch.

Vì vậy, đại biểu Hòa cho rằng, nên có giới hạn về thời hạn sử dụng nhà ở.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đại biểu cho rằng, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Đối với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh.

"Ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới", ông lấy ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.