Xã hội

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT

Hôm nay (10/11), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ.

Ở nước ngoài xe ưu tiên cũng phải dừng đèn đỏ

Phát biểu thảo luận tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã có nội dung bảo vệ những người yếu thế. Trên thực tế, Bộ Công an luôn chỉ đạo lực lượng CSGT quan tâm đến vấn đề này.

"Những hình ảnh CSGT dẫn em bé, cháu bé qua đường, cấp cứu người dân gặp tai nạn gặp trên dọc đường, giúp đỡ phụ nữ sắp sinh… chúng ta vẫn thường gặp. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn, CSGT cần học những kiến thức cơ bản về y tế để phục vụ cho việc này", Đại tướng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT - Ảnh 1.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Về vấn đề đăng ký xe chính chủ, Bộ trưởng Công an cho biết, hiện đang có nhiều tranh luận về vấn đề này.

"Chúng tôi cho rằng, phải minh bạch về vấn đề này. Người sử dụng xe không phải chủ xe rất khó ứng dụng công nghệ để quản lý. Hơn nữa, xã hội không lành mạnh, tài sản của người này thì người kia lại quản lý. Chống tham ô tham nhũng cũng rất vướng", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, cần áp dụng công nghệ vào ngay, điều này giảm được tiếng "ong ve" về CSGT.

"Nếu không phạt trực tiếp thì làm sao tiêu cực được, muốn tiêu cực cũng không thể tiêu cực", ông Lâm nói.

Về vấn đề chỉ huy giao thông, Bộ trưởng cho biết, một số nước làm rất tốt, đã ra đường là chỉ có một luật, đèn đỏ phải dừng lại, nhưng chúng ta đèn đỏ xe ưu tiên vẫn được đi.

"Tôi ra nước ngoài, họ bố trí xe dẫn đoàn nhưng gặp đèn đỏ dứt khoát phải dừng lại. Tôi hỏi là tại sao số tôi may thế luôn gặp đèn xanh, họ nói với tôi không phải là may vì xe có dẫn đoàn nên đi đến đâu thì trung tâm điều khiển sẽ điều hành sang đèn xanh", Bộ trưởng Tô Lâm kể.

Bộ trưởng cho biết thêm, muốn hiện đại được hệ thống kiểm tra, giám sát giao thông, cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị.

"Tôi đi công tác sang Trung Quốc bằng đường bộ, định đi ô tô của nước mình sang nhưng xe của mình không thể đi ở đường nước họ. Bởi họ vận hành tự động, khi đi vào đường của họ biển số xe của mình không có trong hệ thống nên không mở barie để cho mình đi", ông Lâm nói và cho biết, chính vì thế nếu đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật thì xe mang biển số giả không thể lưu thông được trên đường.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu thảo luận tại tổ.


Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đều hướng tới an toàn là trên hết

Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra về hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT.

"Chúng ta thường chúc nhau thượng lộ bình an, điều đó cho thấy ai cũng mong may mắn khi tham gia giao thông", Thượng tọa chia sẻ.

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Đức Thiện.

Song, Thượng tọa đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Đường bộ, dù tách Luật Trật tự ATGT nhưng phải tính đến vấn đề ATGT trong bộ luật này vì chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông tác động lớn tới ATGT.

Dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng về việc phân kỳ xây dựng cao tốc 4-6 làn làm ví dụ, Thượng tọa cho rằng việc này chính là để đảm bảo ATGT. Điều đó cho thấy chúng ta quan tâm an toàn là trên hết.

Về Luật Trật tự ATGT, đại biểu nhấn mạnh ý thức người tham gia giao thông là quan trọng nhất. Thống kê cho thấy, đa phần tai nạn giao thông (TNGT) đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

Đưa đấu giá biển số xe vào luật

Góp ý về Luật Trật tự ATGT, đại biểu Tráng A Tủa cho biết: Hiện nay, tình trạng vi phạm liên quan tới xe vận tải khách thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt xe chạy đêm, ở vùng cao.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có chế tài xử lý mạnh hơn, nhất là phạt nguội theo giám sát hành trình. Cần theo dõi xem lái xe đã vi phạm bao nhiêu lần trong hành trình để phạt nguội.

Về đấu giá biển số xe, đại biểu Tủa cho rằng, hiện nay đang được thí điểm và đã cho thấy hiệu quả, thu về gần 600 tỷ nộp ngân sách Nhà nước.

"Từ nay đến sang năm, chúng ta cần tổng kết và bổ sung điều luật này vào chương 8 về quản lý Nhà nước trong luật là phù hợp", đại biểu đề xuất.

"Mỗi năm có 9.000 người chết vì TNGT. Đây là con số vô cùng đau thương nhưng dường như chưa tác động mạnh tới ý thức của người tham gia giao thông dẫn tới chưa chuyển hóa thành hành động", Thượng tọa nói.

Thông tin thêm, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, thời gian qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, sắp tới sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì TNGT với thông điệp "Tưởng nhớ người ra đi và vì người ở lại".

Giáo hội cũng ký kết với Bộ Công an để thực hiện các hoạt động tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên; Phối hợp với cảnh sát giao thông các tỉnh để truyền thông thông điệp, hướng dẫn kỹ năng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Xe đưa đón học sinh cần được ưu tiên

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho rằng, có một quy tắc quan trọng là đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, được vận chuyển trên các xe ô tô.

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang).

“Từ căn cứ về khoa học, kinh nghiệm tham khảo từ các quốc gia giao thông phát triển, có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn giao thông rất cao cho trẻ em, chúng ta có thể cân nhắc, nghiên cứu thêm, như việc dùng các thiết bị an toàn cho trẻ em.

Thiết bị đảm bảo an toàn cho trẻ em rất ít, chỉ có 1,3% xe trang bị. Theo nghiên cứu, ở Hà Nội có 2,6%, ở TP.HCM là 1,1%, ở Đà Nẵng chưa có xe nào có thiết bị này”, bà Cầm cho biết và mong muốn nâng độ tuổi từ 4 lên 6 tuổi đối với trẻ em được vận chuyển trên xe ô tô phải có thiết bị bảo vệ trẻ em.

Theo dự thảo, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Liên quan đến Điều 46 của dự thảo Luật, đại biểu Cầm cho biết, có quy định đảm bảo trật tự ATGT đối với xe ô tô đưa đón học sinh, trong đó, tại khoản 5 có quy định xe ô tô đưa đón học sinh được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng cũng như điều tiết giao thông.

“Hiện, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh có số lượng lớn và thương tâm. Tuy nhiên, ở Điều 3 khi giải thích từ ngữ (ở khoản 36) đề cập đến xe ưu tiên có nhiều loại xe khác nhưng chưa nói đến xe đưa đón học sinh. Trong khi đó, trẻ em, học sinh là tương lai của đất nước, nên cần bổ sung rõ quy định ưu tiên xe đưa đón học sinh”, bà Cầm đề nghị.

Đi phương tiện giao thông thông minh có cần đem theo bằng lái?

Thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) ủng hộ dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm phương tiện giao thông thông minh. Điều này là hợp lý và cần thiết vì ở một số quốc gia tiên tiến, xe tự lái đang bắt đầu đạt đến mức hoàn thiện và được vận hành ngoài đường.

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT - Ảnh 5.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Tuy vậy, đại biểu cho rằng, định nghĩa về phương tiện thông minh trong luật chưa xác định rõ phương tiện cần thông minh đến mức nào.

Chỉ ra kinh nghiệm quốc tế, bà cho biết, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang phân chia phương tiện tự lái thành 6 cấp độ tự động hóa khác nhau, cấp độ sau thông minh hơn, tự động hóa nhiều hơn cấp độ trước.

Phương tiện ở cấp độ 0 là không tự động hóa, còn ngược lại, phương tiện cấp độ 5 có thể hoạt động tự động hoàn toàn trong mọi hoàn cảnh, không cần có tài xế ngồi trong xe khi di chuyển.

Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung định nghĩa phương tiện giao thông thông minh là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn.

Ngoài ra, theo đại biểu Yên, trong dự thảo Luật, định nghĩa chưa thể hiện được việc phương tiện tự lái có bắt buộc phải có tài xế trong phương tiện hay không.

Hiện nay, các nhà sản xuất xe ô tô trên thế giới đang hướng tới việc phát triển những phương tiện có thể tự động hóa hoàn toàn, không cần phải có người lái xe ngồi trong xe khi xe di chuyển.

“Tôi cho rằng, loại xe này sẽ sớm xuất hiện trong tương lai, và hiện nay cơ quan quản lý giao thông vận tải ở một số nước tiên tiến trên thế giới đã đưa ra chế tài cấp phép thử nghiệm cho những loại xe như vậy”, bà Yên nói.

Do vậy, để nâng cao tính bền vững của quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định thêm về phương tiện giao thông thông minh có thể được vận hành mà không có người lái ngồi trong xe.

Đồng thời, cần cân nhắc thêm quy định người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có áp dụng với phương tiện giao thông thông minh không.

Đại biểu lý giải: “Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có gói bảo hiểm cho các phương tiện giao thông thông minh vì những phương tiện này quá mới mẻ, chưa vận hành đại trà.

Do đó, tài xế phương tiện giao thông thông minh hầu như không thể có được chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với phương tiện của mình. Thay vào đó, họ chỉ có thể có giấy chứng nhận đảm bảo đền bù, được bảo lãnh bởi một bên thứ ba”.

Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần rà soát quy định này, để tài xế phương tiện giao thông thông minh cần mang theo những loại giấy tờ cho phù hợp với thực tiễn vận hành, khai thác loại hình phương tiện đặc thù và vô cùng mới mẻ, độc đáo này.

Mức độ nồng độ cồn nên phù hợp với từng loại phương tiện?

Phát biểu, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) tán thành sự cần thiết ban hành dự án luật như các lý do trong tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục hạn chế bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bộ trưởng Công an: Cần áp dụng công nghệ để giảm tiếng “ong ve" về CSGT - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên).

Ông Thắng cũng đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi để quy định rõ trong Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất.

Đồng tình với quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thuộc hành vi bị nghiêm cấm” tại dự thảo luật nhằm giảm thiểu TNGT, đại biểu Thắng đề nghị nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho biết, theo quy định của Nghị định 100 và quy định trong dự thảo Luật Trật tự ATGT, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt.

"Phải có nồng độ bao nhiêu mới phải xử phạt?", bà Xuân nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá lại, đánh giá tác động việc thực hiện Nghị định 100 thời gian qua.

"Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật này phải tính toán, rà soát kỹ lưỡng vì quy định trên có tác động rất lớn", bà Xuân nói.

Về nội dung này, đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) cho biết, quá trình thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Về ý kiến thứ nhất, đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.

Về ý kiến thứ hai, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Theo đại biểu, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.

Chỉ nên bắt buộc ô tô vận tải hành khách phải có giám sát hành trình

Dẫn điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải “có thiết bị giám sát hành trình; Thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị quy định bắt buộc với một số loại phương tiện, nhất là phương tiện kinh doanh vận tải sẽ khả thi hơn.

“Nếu quy định áp dụng cho tất cả phương tiện mà làm được thì tốt quá, nhưng để khả thi trong bối cảnh hiện nay, nên nghiên cứu bắt buộc với ô tô kinh doanh vận tải vì rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên quan phương tiện này. Còn các phương tiện khác thì khuyến khích”, ông Thắng nêu quan điểm.

Liên quan việc sát hạch giấy phép lái xe, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị bổ sung quy định về quản lý Nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; Kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.

“Việc này để tránh tình trạng vì lý do nào đó mà chất lượng đào tạo, sát hạch không đảm bảo. Vừa qua có trường hợp không đủ điều kiện vẫn được cấp bằng lái”, đại biểu Thắng nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho rằng, thực tiễn đào tạo, sát hạch lái xe vẫn còn tồn tại, hạn chế: Chương trình đào tạo chưa phù hợp; Vệc giáo dục đạo đức văn hóa cho lái xe còn xem nhẹ, còn phát hiện học viên không học lý thuyết, cắt giảm thời gian thực hành, dễ dãi, buông lỏng... nên khi ra trường chất lượng học viên không đảm bảo.

Ông Nam cũng cho rằng, quản lý người lái xe sau sát hạch còn bỏ ngỏ. Người lái xe chuyên nghiệp có cơ quan, doanh nghiệp quản lý, còn lại thả nổi, thậm chí lái xe không đảm bảo sức khỏe. Bộ Công an thống kê cho thấy, 10 tháng xử lý hơn 2.000 người có sử dụng ma túy; Hằng năm xử lý 5 triệu trường hợp vi phạm, thu giữ hàng nghìn giấy phép.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe. “Trừ điểm không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Một số nước đánh giá việc chấp hành của lái xe, đến độ nào đó tích điểm tước giấy phép”, Nam ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.