Xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không có tranh chấp quyền lợi khi đào tạo nhân lực

06/06/2023, 14:51

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, không có tranh chấp quyền lợi trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai bộ có sự liên thông nhưng không có sự trùng lắp

Sáng 6/6 và đầu giờ chiều cùng ngày, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung.

img

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương)

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay có rất nhiều trường đại học trên cả nước, học sinh tốt nghiệp THPT dễ dàng có được tấm bằng cử nhân sau 4 năm đại học, thậm chí sau đại học.

Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ sinh viên, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc việc làm không đúng chuyên ngành và phần lớn phải mất một thời gian dài để cập nhật lại kiến thức cho phù hợp với thực tế công việc tại cơ quan, doanh nghiệp.

Do vậy, đại biểu Trân đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng cao quy định ở trình độ nào, có quy định ngành nghề, lĩnh vực cụ thể không và có phải chúng ta đang lãng phí nguồn lực này không?

"Trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Giáo dục và đào tạo đến đâu trên cương vị quản lý Nhà nước? Có phải do trùng lẫn khi giao nhiệm vụ mà dẫn đến tình trạng này hay không?", đại biểu Trân đặt vấn dề.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là trách nhiệm không chỉ riêng của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Giáo dục và đào tạo.

Ông Dung cho biết, Chính phủ phân cho Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp toàn bộ vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bộ LĐ-TB&XH tập trung vào đào tạo nghề, Bộ Giáo dục và đào tạo có chức năng đào tạo. Hai bộ có sự liên thông nhưng không có sự trùng lắp, đặc biệt là không có sự tranh chấp quyền lợi ở đây.

"Chính phủ thành lập Hội đồng giáo dục Quốc gia do một lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ, 2, 3 nhưng đều là 1, vì lợi ích chung", ông Dung nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời thêm.

img

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Thiếu hụt lao động chất lượng cao

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hà về kết quả hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động hiện có quy mô ở độ tuổi từ 15 trở lên là 55 triệu người. Cho đến quý 1/2023, số người tham gia thị trường lao động của chúng ta là 51,4 triệu người.

Trong thị trường lao động này, nếu nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ, nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về quy mô, chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt hơn 26% (tính đến quý I/2023).

"Các nước trên thế giới chủ yếu đánh giá lao động được đào tạo qua chứng chỉ, bằng cấp. Nếu nhìn lại, chúng ta không phải quá thấp, nhưng thấp hơn so với các nước đang phát triển, đây là vấn đề cần phải quan tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là trong thị trường lao động, cơ cấu về lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp", ông Dung nói.

Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ cũng đặt vấn đề về hạ tầng và nguồn nhân lực.

"Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay là chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi chúng ta lại thiếu hụt nguồn nhân lực này. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, linh hoạt, bền vững", ông Dung nói.

img

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Phó Thủ tướng: Nhân tài là động lực mới cho phát triển

Tham gia giải trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thích ứng sau đại dịch, chuyển đổi kinh tế sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

"Nhân tài là động lực mới cho phát triển", Phó Thủ tướng nói và cho biết, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập các quỹ, nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động chưa có sự bứt phá.

Do vậy, theo Phó Thủ tướng, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung, cao đẳng, đại học, cao học và giáo sư, tiến sĩ.

Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan tới trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới.

"Nếu thay đổi được vấn đề này, đưa đất nước phát triển theo mô hình mà thế giới đang hướng tới thì Việt Nam có thể đi sau nhưng đón đầu, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.