Đường bộ

Bộ trưởng GTVT: Biến tiềm năng thành của cải nhờ cao tốc

26/07/2023, 13:32

Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Ninh Thuận nỗ lực thực hiện các giải pháp, phát huy tiềm năng khi các dự án cao tốc được đưa vào khai thác.

Hiện thực hoá tiềm năng khi đưa cao tốc vào khai thác

Sáng nay (26/7), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Ninh Thuận về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác của Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận sáng nay (26/7) - Ảnh: Tạ Hải.

Đánh giá 7 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu của tỉnh Ninh Thuận có nhiều điểm sáng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị địa phương cần tiếp tục giải pháp toàn diện, khả thi khai thác tiềm năng, lợi thế.

Nhất là khi các tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng, tiềm năng hiện tại cần được hiện thực hoá thành của cải, vật chất cụ thể để phát triển KT-XH.

Đối với đề xuất xây dựng đường gom dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam và các cầu vượt đường sắt theo đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, việc bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là rất khó. Tới đây, Bộ GTVT sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện quyết định về đảm bảo trật tự ATGT, xoá lối đi tự mở đường sắt, đề xuất Chính phủ cố gắng cân đối nguồn vốn trung hạn 2026 - 2030 để hỗ trợ các địa phương chưa có điều kiện tự cân đối kinh phí làm đường gom.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Nhất trí đề xuất của địa phương trong việc rà soát, bổ sung đường gom tại các công trình cao tốc như Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đảm bảo tính thiết yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đặc biệt lưu ý địa phương phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các đơn vị trong khảo sát, thiết kế dự án.

“Với các dự án hiện nay, ngay ở bước khảo sát thiết kế, Bộ GTVT đã làm việc với ban, ngành, địa phương thống nhất hạng mục đường gom, đường dân sinh, cầu vượt. Việc bổ sung các hạng mục sau này sẽ làm tăng tổng mức đầu tư và phát sinh thời gian đàm phán, điều chỉnh hợp đồng.

Hạn chế tình trạng này, địa phương cần xem xét trách nhiệm đơn vị liên quan trong công tác phối hợp thiết kế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Ninh Thuận cân đối nguồn vốn, hoàn thiện đầu tư đoạn tuyến còn lại (4,5km) của QL27, xử lý dứt điểm vướng mắc trong đền bù GPMB dự án nâng cấp QL1.

Với vai trò là Trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các bộ liên quan cùng với Bộ GTVT cân đối nguồn vốn đầu tư dự án đường giao thông từ cảng Cà Ná đến các tỉnh Nam Tây Nguyên.

Cùng đó, cần phối hợp hỗ trợ địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề lớn như: Đầu tư đường dây 500kV Ninh Sơn - Chơn Thành; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị quyết 115 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội; Ban hành kế hoạch và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách để sớm triển khai từ khâu cơ chế giá điện, đấu thầu, đấu giá, đầu tư hạ tầng truyền tải bảo đảm Quy hoạch phát triển điện VIII sớm thực thi theo lộ trình đề ra...

img

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Tạ Hải.

Đề xuất đầu tư loạt dự án quan trọng

Trước đó, thông tin tại cuộc họp, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết, 6 tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn, song, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá.

Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa đã được triển khai như: Cảng biển Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG; đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná; Đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Thuận) đi ngã tư Tà Năng (Lâm Đồng) góp phần tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, tạo điều kiện thu hút phát triển mạnh mẽ công nghiệp...

Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông, đại diện tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ tỉnh đầu tư dự án động lực hạ tầng giao thông kết nối từ cảng biển Cà Ná lên các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên.

“Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Ninh Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên, kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Ninh Thuận), phát triển hành lang các trục Đông - Tây phục vụ vận chuyển hàng hóa, quặng bauxit Tân Rai, Nhân Cơ với lượng hàng hóa khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hàng nông sản xuất nhập khẩu của các tỉnh Tây Nguyên về cảng”, ông Kim phân tích.

Tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Bộ GTVT cân đối nguồn vốn, hoàn thiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn còn lại của quốc lộ 27 qua địa tỉnh; bổ sung đường gom dân sinh tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam; Giải quyết nứt nhà do ảnh hưởng thi công quốc lộ 1; bổ sung chức năng tiếp nhận tàu khách quốc tế tại khu bến cảng Cà Ná; bổ sung 2 vị trí cảng cạn Cà Ná, huyện Thuận Nam và cảng cạn Du Long, huyện Thuận Bắc vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam…

Việc xây dựng đường gom dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam và các cầu vượt đường sắt Phước Dân và Tháp Chàm; Đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt; đầu tư tuyến đường sắt nối ga Cà Ná đến cảng tổng hợp Cà Ná tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được địa phương kiến nghị.

img

Ông Trịnh Đức Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham gia ý kiến tại buổi làm việc - Ảnh: Tạ Hải

Cân đối lộ trình đầu tư phù hợp

Phản hồi đề xuất của địa phương, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, hiện tại, cập nhật quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng hải đã rà soát và bổ sung số liệu lượng hành khách để khu vực cảng Cà Ná có thêm cầu cảng hành khách.

Yêu cầu đặt ra là tỉnh cần có cơ chế chính sách thu hút khách du lịch so với hiện nay, đảm bảo hiệu quả trong triển khai quy hoạch.

“Nhằm tạo động lực thu hút hàng hoá cho cảng Cà Ná, quy hoạch của tỉnh cũng cần xác định rõ lộ trình đầu tư các tuyến đường kết nối để có cơ sở xây dựng kế hoạch vốn phù hợp”, ông Mười nói.

Với kiến nghị ở lĩnh vực đường sắt, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt VN cho biết, hiện nay, việc đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã được giao cho một nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cục Đường sắt đã lấy ý kiến, đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện, sau đó sẽ tham mưu trình Bộ thẩm định để triển khai các bước tiếp theo.

“Ở dự án này, địa phương đã thống nhất sẽ hỗ trợ phần GPMB. Trong đó, địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 50km, kinh phí GPMB hơn 1.000 tỷ đồng. Số vốn này cần được sớm cân đối để phục vụ việc triển khai dự án nếu được phê duyệt”, ông Cảnh nói và cho biết, riêng tuyến đường sắt kết nối ga Cà Ná với cảng Cà Ná dài khoảng 7km đã được Cục Đường sắt đưa vào quy hoạch.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy khối lượng hàng hoá trên tuyến chưa cao, ga Tháp Chàm hiện nay đã được đầu tư hạ tầng đủ năng lực giải quyết sản lượng hàng hoá thông qua ở thời điểm hiện tại. Nếu có nhu cầu, địa phương cần cân đối, kiếm tìm nhà đầu tư thực hiện sớm hơn quy hoạch (đầu tư sau năm 2030).

Với đề xuất bổ sung đường gom dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam, theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), trên tuyến cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương bổ sung đầu tư đường gom qua địa bàn huyện Ninh Sơn và Phúc Sơn. Tuy nhiên, địa phương chưa bàn giao được mặt bằng để triển khai.

Đối với các đoạn tuyến đường gom cần bổ sung, địa phương kiến nghị, Bộ GTVT sẽ đề nghị tư vấn và đơn vị liên quan đánh giá để có đề xuất phù hợp.

Riêng đề xuất xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cà Ná với khu vực Nam Tây Nguyên, ông Trịnh Đức Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá việc đầu tư là cần thiết. Song, thời điểm này, nguồn vốn trung hạn đã phân bổ hết, việc cân đối nguồn vốn cho dự án sẽ gặp khó khăn.

“Trường hợp cần thiết để chớp thời cơ phát triển, địa phương cần chủ động tìm kiếm nguồn lực đầu tư. Nếu việc huy động khó khăn, cần xây dựng đưa vào kế hoạch trung hạn 2026 - 2030 để bố trí nguồn vốn phù hợp từ ngân sách”, ông Trọng nói.

Xác định tính chất quan trọng của dự án, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ phối hợp cân đối, bố trí nguồn vốn phù hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.