Xã hội

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Năm 2025, giải quyết 60% đất ở cho đồng bào dân tộc

06/06/2023, 15:12

Từ 14h30, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lần đầu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.

Đang nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc

Nêu thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng, thực thi chính sách dân tộc, nhưng thực tế vẫn luôn phát sinh bất cập, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề xuất, cần sớm nghiên cứu ban hành luật hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13.


img

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác thì cần thời gian nghiên cứu, chưa trình được.

"Quan điểm của tôi có được luật thì tốt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách, nhưng cần căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành", ông Hầu A Lềnh chia sẻ.

2,1 triệu người vùng đặc biệt khó khăn bất ngờ mất chế độ hỗ trợ

Tham gia chất vấn, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phân định xã thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi.

Đồng thời, đánh giá tác động của Quyết định 461 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II và I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, nhất là việc 2,1 triệu người dân không còn là đối tượng được Nhà nước mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, sau khi có quyết định phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn của Thủ tướng, hơn 1.800 xã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn và không được hưởng các chính sách đang đầu tư của giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, có 2,1 triệu người giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nhưng đã bị ra khỏi danh sách, không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ chính sách bảo hiểm, đây là vấn đề rất lớn.

Ủy ban Dân tộc đã đánh giá tác động, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng đã có văn bản giao các bộ, ngành để điều chỉnh sửa đổi một số quy định, thông tư, chính sách có liên quan. Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Chính phủ và giao Bộ Y tế sửa Nghị định 146; Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các cơ quan đang sửa nghị định này.

"Còn 11 chính sách liên quan về giáo dục, y tế, nông nghiệp, lao động, việc làm cũng đang được tiếp tục sửa và trình Chính phủ tới đây. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục đôn đốc việc triển khai vấn đề này", ông Hầu A Lềnh nói.

Đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vừa thiếu vừa chậm

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng. Đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu Quân đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này?

Trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.

Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, 40% còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026 - 2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.

Về đất sản xuất, thống kê cho thấy nhiều nơi có quỹ đất hỗ trợ xây dựng mô hình sắp xếp dân cư tập trung, nhưng cũng có nơi không còn quỹ đất; các bộ ngành, địa phương chậm triển khai chính sách.

"Chúng tôi sẽ rà soát để có quỹ đất cấp cho bà con", ông Lềnh nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung chất vấn thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).

Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.