Thị trường

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Từ tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là cuộc cách mạng

10/03/2022, 17:47

Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là cuộc cách mạng; Cần sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất...

Không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích

Đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh khi chỉ đạo về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với thị trường Trung Quốc, là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Vấn đề chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch không phải lần đầu tiên được nhắc đến, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là vấn đề lâu dài, khó, tồn tại đã nhiều năm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích.

Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Do đó, cần xây dựng lộ trình, thang đo, định vị được thị trường Trung Quốc và đưa ra được trách nhiệm của các bên. Cần khơi thông về tư duy đối với thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng chập chờn, dễ dãi dẫn đến việc sản xuất thả nổi, mùa vụ…

Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu nghiêm ngặt. Những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Nhật Bản… là tính hệ thống. Vì thế, việc quản lý chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc cũng phải theo hệ thống.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, việc chuyển đổi phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng.

“Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch”, ông Lê Minh Hoan nói.

"Công cuộc này không chỉ là nỗ lực của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp mà các địa phương cũng cần có sự chủ động", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng định.

Bởi lẽ, việc xác định chính ngạch hay không, không chỉ nằm ở phương thức giao hàng mà còn là phương thức sản xuất và phương thức bán hàng.

Dẫn chứng bài học của các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La,... đó là sự tham gia quyết liệt của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, “đây là điều mà các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có thể học tập”.

Các địa phương có thể tổ chức hội nghị kết nối, mời các doanh nghiệp tiêu thụ lớn, có cách làm bài bản với thị trường Trung Quốc.

Cũng có thể thông qua các Bộ để mời các đầu mối tiêu thụ lớn của Trung Quốc cùng tham gia, mở rộng thị trường sâu vào nội địa Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, việc chuyển sang chính ngạch về tiêu chuẩn hàng hóa cũng cần phải thích ứng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự sẵn sàng.

Theo ông Huy, cơ hội cho nông sản, trái cây của Việt Nam là rất lớn bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho rằng, những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản… thì cần lấy các mô hình này làm tính hệ thống.

Trong khi, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, để xuất khẩu chính ngạch trước tiên phải xuất phát từ chính mình và làm phải chuẩn.

Ông Khuê dẫn chứng, năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch quả chanh leo chiếm 75%, nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Nhờ tăng chế biến nên giá chanh leo đã lên 20.000 đồng/kg so với trước đây chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, theo ông Khuê, cần phải tiếp xúc sâu sát hơn nữa với các thương nhân Trung Quốc để nắm rõ thị trường, đồng thời Hiệp hội ngành hàng phải có đại diện ở thị trường để nắm bắt thông tin.

Bộ NN&PTNT cũng cần tiếp tục đàm phán để ký Nghị định thư về những loại rau quả chưa được xuất khẩu chính ngạch để sản xuất và xuất khẩu ổn định.

Hiện Việt Nam hiện có 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả xuất khẩu vào Trung Quốc.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc. Đến nay, cả nước có 3.646 mã số vùng trồng được cấp, với diện tích 197.000 ha tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước và gần 1.800 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.