Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

22/06/2023, 12:58

Tại phiên thảo luận sáng 22/6, các đại biểu Quốc hội góp ý nhiều về việc nên giữ hay bỏ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Cần thiết duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

Giải trình cuối phiên thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 22/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dự án Luật cần cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của 3 nhà: nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và Nhà nước.

img

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, theo ông Hùng, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phủ sóng internet ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nếu Nhà nước nhận thấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách Nhà nước thì các nhà mạng sẽ có xu thế chỉ đầu tư ở những khu vực đông dân cư, thành phố lớn. Do vậy, Nhà nước sẽ phải đầu tư rất nhiều và nhiều quốc gia trên thế giới chọn cách yêu cầu các nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập.

Có hai cách để các nhà mạng thực hiện điều này. Một là yêu cầu các nhà mạng phủ sóng rộng, cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ.

Thứ hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu với tiêu chí doanh nghiệp lớn đóng nhiều, doanh nghiệp nhỏ đóng ít, sau đó, Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Hùng, đa số các quốc gia trên thế giới đều chọn phương án hai.

"Ở Việt Nam, Quỹ này cơ bản giao cho chính nhà mạng thực hiện, họ nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ. Phổ cập 2G xong đến 3G, 4G, 5G và tiếp tục không dừng lại. Quỹ góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được sử dụng dịch vụ vào top hàng đầu trên thế giới", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận việc vận hành Quỹ vừa qua có nhiều bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ. Do đó, ông cho rằng, cần phải điều chỉnh dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để Quỹ phát huy hiệu quả thay vì bỏ như ý kiến của một số đại biểu.

"Hiện nay, các chương trình giảm nghèo của Nhà nước đều sử dụng Quỹ này để hỗ trợ bà con, do vậy, Ban soạn thảo xin phép Quốc hội tiếp tục duy trì Quỹ này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ để đổi tên thành Quỹ Dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quỹ", Bộ trưởng Hùng đề xuất.

Đại biểu lo lãng phí nguồn lực

img

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trước đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng) đề nghị cơ quan soạn thảo luật cân nhắc không tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, để tránh gây lãng phí nguồn lực.

Theo đại biểu, hiệu quả hoạt động của Quỹ hạn chế, trong khi việc duy trì hoạt động của Quỹ còn nhiều bất cập. Tồn dư quỹ giai đoạn 2016 - 2022 lên đến 5.427 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, cần thiết phải duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, vì đây là quỹ tài chính hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhất trí duy trì Quỹ để bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận và sử dụng những dịch vụ viễn thông thiết yếu.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung liên quan đến Quỹ này để thuận lợi trong triển khai thực hiện và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí...).

img

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Hạ tầng phải đi trước một bước

Tham gia thảo luận, đại biểu Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, hạ tầng số quốc gia gồm 2 cấu phần chính: Hạ tầng kết nối internet và hạ tầng điện toán đám mây. Những cấu phần này là nền tảng cho truyền thông số cả ở ngắn hạn và dài hạn.

Do vậy, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển tự cường có thu nhập cao, nhất thiết hạ tầng số phải đi trước một bước, chuẩn bị nền tảng cho kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số.

Theo ông Thắng, việc thiếu hụt nghiêm trọng điện năng trong thời gian qua càng cho thấy tầm quan trọng của hạ tầng. Hạ tầng phải đi trước một bước; cần phải chuẩn bị hạ tầng cho tương lai. Vì vậy, đầu tư cho hạ tầng số sẽ vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh quốc gia.

Đầu năm nay, một số tuyến cáp quang biển kết nối với quốc tế của Việt Nam gặp sự cố dẫn đến kết nối internet bị chậm, các nhà mạng tốn kém chi phí lớn để mua bù dung lượng. Điều này cho thấy, an ninh hạ tầng số chưa thực sự đảm bảo.

Thời điểm hiện tại, tốc độ kết nối internet ở Việt Nam chỉ ở mức độ trung bình so với khu vực và chưa đáp ứng được kịch bản cho một quốc gia phát triển.

"Cho nên, việc sửa đổi Luật Viễn thông rất cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu trong ngắn hạn, vừa giúp thị trường minh bạch, tính cạnh tranh cao hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp viễn thông có những đầu tư tốt hơn", ông Thắng nói.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 loại dịch vụ mới là trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet.

Đồng tình với việc mở rộng này, ông cho rằng sẽ giúp điều chỉnh, quản lý kịp thời các dịch vụ mới trên nền tảng internet. Song cần cân nhắc, tính toán hợp lý, vì quản lý chặt chẽ quá sẽ ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.