Đường bộ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo nóng về triển khai dự án trọng điểm

06/07/2022, 18:10

Trên cơ sở nghị quyết Quốc hội ban hành, Bộ GTVT đã chủ động tham mưu, phân giao nhiệm vụ triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng quy chế phối hợp, đồng bộ tiến độ và chất lượng

Chiều nay (6/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp triển khai các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến các dự án đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc, đường vành đai...

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp triển khai nghị quyết của Quốc hội chiều nay (6/7)

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành tổng số 17 Nghị quyết, trong đó, có 7 nghị quyết đặc biệt quan trọng đối với ngành GTVT.

Bên cạnh Nghị quyết chung (Nghị quyết 63) và Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn là 5 nghị quyết chuyên ngành liên quan đến 5 dự án giao thông trọng điểm, gồm: đường Vành đai 4 TP Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Triển khai nghị quyết liên quan của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp Vụ Đối tác Công - tư rà soát cụ thể các nhóm bất cập, giải pháp thực hiện, khẩn trương tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT có báo cáo Chính phủ, đáp ứng yêu cầu giải quyết trong năm 2022 theo đúng nghị quyết của Quốc hội.

“Nghị quyết Quốc hội là văn bản QPPL hết sức đặc biệt, là ý chí toàn dân. Mỗi Nghị quyết phải rà soát và có sự phân công thực hiện hiệu quả, đúng quy định pháp luật’, Bộ trưởng nói

Xác định tính cấp thiết của dự án đòi hỏi phải có quy trình đồng bộ, đầu mối thống nhất, Tư lệnh ngành GTVT cũng đưa ra định hướng phân giao nhiệm vụ đối với từng đơn vị.

Cụ thể, dự án đường Hồ Chí Minh, hiện hai đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận đã được bố trí ngân sách khoảng 4.450 tỷ đồng, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chủ động phối hợp Vụ KH-ĐT hoàn chỉnh thủ tục chủ trương đầu tư; Đồng thời nghiên cứu, sớm đề xuất triển khai đoạn Cổ Tiết - Chợ Mới.

Ban QLDA Mỹ Thuận chịu trách nhiệm làm đầu mối hai dự án: đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

“Riêng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban QLDA phải mở văn phòng dự án tại Cần Thơ để công tác phối hợp với 4 tỉnh, thành liên quan được thuận lợi, nhanh chóng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

img

Xây dựng quy chế phối hợp với địa phương, đảm bảo tính đồng bộ về tiến độ, chất lượng các dự án là một trong những nhiệm vụ được người đứng đầu ngành GTVT đặc biệt lưu ý với các đơn vị - Ảnh minh họa

Tương tự cách làm, đối với Ban QLDA 85 được giao làm đầu mối thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu đặt ngay trụ sở tại khu vực Đồng Nai để làm việc với hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ban QLDA 2 phụ trách đầu mối phối hợp với địa phương triển khai dự án đường Vành đai 4 Thủ đô.

Ban QLDA 6 được giao làm đầu mối kết hợp với hai địa phương Khánh Hòa, Đắk Lắk thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Nhấn mạnh cao tốc là công trình đường bộ cấp đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trong bối cảnh các dự án trọng điểm được phân cấp địa phương cùng thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các ban QLDA nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh, thành có dự án đi qua. Trong đó, làm rõ vai trò của Ban QLDA để việc triển khai dự án được đồng bộ cả về chất lượng và tiến độ.

“Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương về trình tự, thủ tục thực hiện dự án; Đồng thời, rà soát, có hướng dẫn cụ thể để Ban QLDA các địa phương đảm bảo đủ năng lực theo đúng quy định pháp luật hiện hành”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đề xuất vật liệu đặc thù, kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng

Chỉ đạo triển khai nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề vật liệu xây dựng.

“Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm, các Ban QLDA phải chủ động đề xuất danh sách các vật tư đặc thù, tham mưu Bộ GTVT gửi văn bản về các địa phương công bố giá theo vật liệu đặc thù đó, đảm bảo dự án có vật liệu thi công tốt nhất, chất lượng tốt nhất.

Hệ thống mỏ vật liệu phục vụ dự án cũng cần được rà soát kỹ, thể hiện trong hồ sơ dự án làm cơ sở đề nghị địa phương quản lý, không để tình trạng thiếu vật liệu xảy ra, ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, Bộ trưởng nói.

Tư lệnh ngành GTVT cũng yêu cầu Vụ Khoa học - Công nghệ, Viện Khoa học - Công nghệ, Ban QLDA Mỹ Thuận,... rà soát tiêu chuẩn quy trình, rà soát kinh nghiệm, tiêu chuẩn nước ngoài và trong nước, hoàn chỉnh quy trình sử dụng vật liệu cát biển (khai thác, vận chuyển, tập kết, lu lèn,…), tiến tới thử nghiệm đánh giá trước khi sử dụng rộng rãi trong quá trình xây lắp.

“Định mức liên quan đến tiêu chuẩn Việt Nam và các định mức vật liệu mới, Vụ Khoa học - Công nghệ phải khẩn trương báo cáo kết quả cụ thể

Đối với định mức xây dựng cơ bản ngành giao thông, định mức bảo trì cũng cần phải sớm rà soát, đề xuất ban hành. Định mức lạc hậu phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời để các dự án giao thông, đặc biệt là dự án quan trọng quốc gia không phải sử dụng định mức lạc hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.