Y tế

Buồn vui của những ông chồng đi xét nghiệm ADN

15/07/2023, 06:10

Xét nghiệm ADN ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhiều người tìm tới dịch vụ này để giải mã những nghi ngờ của mình.

Đằng sau mỗi tờ kết quả là những câu chuyện buồn, vui không dễ giãi bày.

Nơi giải mã nghi ngờ

img

Các giám định viên thực hiện kỹ thuật xét nghiệm ADN.

Nhận kết quả tại Viện Pháp y quốc gia, anh N.Đ.M (quê Yên Bái) không giấu nổi cảm xúc, đập mạnh tay xuống bàn trong sự ngỡ ngàng của hàng chục giám định viên.

Người đàn ông 35 tuổi này bần thần một lúc lâu rồi mới chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của mình. Công việc bận rộn, xa nhà hơn 300km khiến anh ít có thời gian chăm lo gia đình. Thế nên, hàng năm, anh M thường dồn phép trong 1 tháng về với vợ con.

Gần đây, trong đợt phép 3 tuần, anh hay bế con trai út nhưng vợ anh lại tỏ ra không thích chồng gần con với lý do “con sẽ nhớ bố khi anh đi”.

Anh M không tin vì chẳng có người vợ nào ngăn cản bố con gần gũi. Anh thường hay ngắm nhìn cậu con trai và thấy không giống ai trong gia đình, đặc biệt mái tóc xoăn tít bẩm sinh.

Sự nghi ngờ ngày càng lớn trong lòng, anh M luôn nghĩ về việc con không phải huyết thống của mình.

Thôi thúc giải tỏa khúc mắc trong lòng, trước khi trở về cơ quan, anh tranh thủ cắt móng tay của con và cầm theo cả mẫu tóc, tạt qua Hà Nội làm xét nghiệm ADN huyết thống. Suốt thời gian chờ kết quả, anh vẫn tự an ủi rằng, có thể mình đã quá đa nghi.

Tuy nhiên, tờ giấy A4 đã trả lời rõ ràng nghi ngờ của người đàn ông này. Sau khi bình tĩnh hơn, anh quay sang hỏi giám định viên về việc muốn ly hôn và để vợ nuôi con trai út. Con gái lớn, anh gửi ông bà nuôi rồi tiếp tục công việc của mình.

Ở góc độ gia đình, các giám định viên đều khuyên anh nên xử lý ổn thỏa. Anh có thể để vợ nuôi cả con gái vì công việc của anh đi xa, không tiện nuôi con.

Một trường hợp khác, anh N.K.T từ Ninh Bình lên Hà Nội để làm xét nghiệm ADN xác định huyết thống với con gái.

Anh làm lái tàu viễn dương, cuộc sống lênh đênh trên biển là chính, ít khi ở bên vợ con. Gần đây, anh về thăm nhà nhân dịp sinh nhật 5 tuổi của con gái, vô tình đọc được tấm thiệp “chúc mừng con gái bố sinh nhật vui vẻ”.

Gặng hỏi vợ, anh không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên đã tự tìm lời giải cho mình.

Tại Viện Pháp y quốc gia, giám định viên giải thích rõ quy định xét nghiệm huyết thống dân sự. Anh đọc xong, định bỏ về nhưng rồi lại quyết định ký vào đơn đăng ký. Kết quả mẫu “không có quan hệ huyết thống” khiến người đàn ông này vô cùng đau khổ.

Một trường hợp khác, chị N.T.H (30 tuổi, đang mang mai 7 tháng) mang theo mẫu nước ối được lấy từ khoa sản của một bệnh viện, tới Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) xin tư vấn làm xét nghiệm giám định ADN.

Chị cho biết đang mang thai con đầu lòng, gia đình nhà người yêu không không đồng ý cho làm đám cưới vì họ cho rằng đó không phải con cháu trong nhà. Mặc dù người yêu tin tưởng nhưng để mẹ chồng tương lai chấp nhận, chị buộc đi làm xét nghiệm ADN trước sinh để cho con một danh phận.

Không thể tráo kết quả

TS Nguyễn Đức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, mỗi năm cơ quan này tiếp nhận hàng trăm đơn xin xét nghiệm ADN tìm huyết thống.

Bên cạnh những mẫu làm theo yêu cầu của tòa án thì có rất nhiều gia đình tự tìm tới xin làm. Phía sau mỗi mẫu kết quả là những mảnh đời, những hoàn cảnh khác nhau.

“Đa phần là đơn xin xét nghiệm huyết thống cha con. Khi nhận kết quả, mỗi người có cảm xúc khác nhau, có người mừng rỡ, nhưng cũng không ít ông bố đau khổ, sốc nặng”, TS Nhự cho biết.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với công việc này, tôi chứng kiến mỗi tờ kết quả giám định là cuộc đời của một con người. Có người tìm được gia đình sau tờ kết quả nhưng cũng có giọt nước mắt thất vọng không như ý muốn”.

Thạc sĩ Chu Thị Thủy, Giám định viên, khoa Y - sinh, Viện Pháp y quốc gia cho biết, câu chuyện của hai người đàn ông ở trên chỉ là một vài hoàn cảnh trong hàng nghìn câu chuyện khác nhau đằng sau tờ kết quả xét nghiệm ADN.

Khách hàng tìm tới dịch vụ xét nghiệm ADN ngày càng tăng và họ đều có nghi ngờ từ trước. Các mẫu xét nghiệm cho kết quả tuyệt đối, rất khó để làm giả.

Bản thân chị Thủy cũng từng nhận được rất nhiều lời đề nghị của khách hàng, họ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn lên tới cả tỷ đồng để thay đổi kết quả giám định nhưng câu trả lời đều là “không”.

Các mẫu xét nghiệm đều thực hiện 2 lần riêng biệt, 2 giám định viên khác nhau để đưa ra kết quả chính xác, khách quan và tuân thủ pháp luật.

“Khi niềm tin không còn thì hạnh phúc khó có thể đảm bảo. Việc khách hàng lựa chọn xét nghiệm ADN nhằm giải mã những nghi ngờ của họ. Tuy nhiên, tôi cũng gặp nhiều trường hợp dù kết quả xét nghiệm ADN không cùng huyết thống, họ vẫn chấp nhận và không ly hôn vì quá thương con”, chị Thủy kể.

Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN, Cố vấn khoa học cao cấp tại Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền (GENTIS), từ tháng 4/1999, tại Việt Nam, ADN hình sự bắt đầu ra đời và phát triển, chủ yếu phục vụ điều tra phá án, xét xử, phục vụ hệ thống tòa án và các tổ chức xã hội.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã triển khai xét nghiệm ADN. Người dân vẫn coi đây là “chìa khóa” giải mã những bức xúc, sự hoài nghi trong xã hội, gia đình.

Tùy thuộc vào từng bệnh viện hay cơ sở y tế mà mức giá có thể chênh lệch ít nhiều. Tuy nhiên, mức giá xét nghiệm ADN thường giao động trong khoảng từ 1.500.000 - 10.000.000 đồng đối với xét nghiệm có 2 người tham gia.

Nếu có thêm từ 3 người trở lên thì sẽ có mức phí phụ thu từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.