Điện ảnh

Cá mập siêu bạo chúa gây kinh ngạc phòng vé

14/08/2018, 09:10

Sau 22 năm kể từ khi dòng phim cá mập ra đời, Cá mập siêu bạo chúa (tựa gốc: The Meg) ra mắt...

23

Một cảnh trong phim “Cá mập siêu bạo chúa”

Đề tài cũ gây tranh cãi

Cá mập siêu bạo chúa đi theo mô tuýp quen thuộc của các bộ phim về đề tài cá mập, do đạo diễn Jon Turteltaub thực hiện. Chuyện phim được mở ra từ một tàu nghiên cứu đại dương của Trung Quốc bị các sinh vật biển khổng lồ tấn công, trong đó có một con cá mập khổng lồ thuộc dòng Megalodon. Từ đây, đoàn thám hiểm đại dương phải đương đầu với “sát thủ đại dương” này để sống sót.

Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Meg: A Novel of Deep Terror của Steve Alten, với kinh phí 130 triệu USD. Kinh phí này phần lớn phục vụ cho kỹ xảo. Adrian de Wet - Giám đốc kỹ xảo của phim chia sẻ trên Cnet, 80% các hình ảnh trên phim như cá mập, đại dương, tàu… đều dùng kỹ xảo. Cá mập siêu bạo chúa tạo sự khác biệt khi tái dựng loài cá mập Megalodon khổng lồ nhất trong lịch sử với chiều dài 25m và bộ răng sắc nhọn, đã tuyệt chủng từ hơn 2 triệu năm trước. Tổ kỹ xảo phải nghiên cứu tài liệu về loài vật từ các nhà khoa học để có thể phục dựng hình ảnh cá mập cổ đại này một cách chân thật nhất. Bởi, dấu tích của loài này còn sót lại rất ít, chỉ có răng và những đốt sống hoá thạch.

Dù nhiều kỹ xảo, vẫn có những cảnh diễn viên phải diễn hết mình. Chia sẻ trên Collider, nam tài tử Jason Statham rùng mình nhớ lại cảnh quay anh ở trong khoang lái tròn và bị cá mập tấn công. Hàm răng cá mập dần nghiến nát khoang lái. Cảnh này được thực hiện dưới nước nên khi khoang lái bị vỡ, nước ập vào khiến Statham không thể thở được, nhưng vẫn phải tiếp tục diễn. “Đó là ngày quay khủng khiếp. Tôi đã thầm mong cảnh quay có thể kết thúc ngay lập tức và tôi chỉ nhận nửa số thù lao ngày đó cũng được. Khán giả xem có thể nghĩ đó là cảnh dùng kỹ xảo nhưng có lẽ đó cũng là điều thú vị, khi hành động thực tế được pha trộn cùng kỹ xảo”, Jason Statham nói.

Kinh phí đắt đỏ, kỹ xảo hiện đại nhưng kịch bản phim với sự chắp bút của ba biên kịch Dean Georgaris, Jon Hoeber và Erich Hoeber lại gây tranh cãi. Trên trang phê bình nổi tiếng Rotten Tomatoes, phim đạt 49% đánh giá tích cực với rating trung bình 5.5/10. Cây viết Wendy Ide của tờ The Guardian viết: “Khoa học chắc chắn thua bộ phim này. Con cá mập thời tiền sử với kích thước của một du thuyền lại có thể phóng lên bề mặt nước từ độ sâu hơn 10.000m mà không vấn đề gì. Nếu tồn tại dưới đáy biển sâu đen ngòm thì sao nó vẫn có mắt? Tại sao nó lại bị thu hút bởi tiếng cá voi, trong khi con cá mập này không bao giờ gặp cá voi ở độ sâu nó sinh sống?”.

Nhà phê bình Owen Gleiberman bình luận hài hước trên tạp chí Variety: “Một bộ phim phiêu lưu kinh dị, khoa học viễn tưởng có một con cá mập với kích thước của một con cá voi xanh, xuất hiện giống như nó muốn trở thành mẹ của tất cả các loài tấn công dưới biển sâu. Nhưng nó thực sự chỉ là mẹ của những con cùng loài, chẳng có gì ngạc nhiên cả”.

“Cá mập” vẫn… lợi hại

Trước khi chính thức ra mắt, Cá mập siêu bạo chúa là một trong những bộ phim thuộc hàng “bom tấn” hiếm hoi không được quảng bá rộng rãi và thậm chí tháng 4 - gần thời điểm ra mắt, phim mới bắt đầu chiến dịch quảng bá. Đặc biệt, trailer quảng bá của bộ phim khác hoàn toàn các bộ phim kinh dị khi xuất hiện hình ảnh một chú chó Yorkieđeo nơ hồng đang bơi dưới nước đầy hài hước. Theo tờ Deadline, đoạn trailer đã đạt 108 triệu lượt xem trên toàn cầu theo số IP truy cập.

Cùng với khâu quảng bá và những đánh giá ban đầu của về phim, giới chuyên môn dự đoán Cá mập siêu bạo chúa chỉ có thể mang về khoảng 20-30 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ. Kết quả, sau 3 ngày công chiếu, theo Box Office Mojo, phim mang về 141 triệu USD trên toàn cầu. Đây là thành tích mở màn cao nhất của dòng phim về cá mập tính tới thời điểm này. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ đạt 44,5 triệu USD - gần 2 lần dự đoán. Thị trường nước ngoài mang về 97 triệu USD. Tại Việt Nam, phim đã dẫn đầu phòng vé vào cuối tuần qua, chiếm trọn các suất chiếu giờ vàng như: 19h, 20h15, 20h5…Thậm chí có rạp, phim có tới gần 20 suất chiếu/ngày.

Thực tế, “số phận” của bộ phim khá dễ hiểu bởi đây là một trong số ít bom tấn khi ra mắt đã được phát hành tại thị trường tỷ dân Trung Quốc. Hãng Warner Bros kết hợp với một đơn vị của Trung Quốc để đồng sản xuất bộ phim. Đây là màn hợp tác khôn ngoan vì như vậy, hãng Warner Bros và Flagship có thể kiếm được 45% tổng doanh thu, thay vì 25% mà các nhà sản xuất nước ngoài nhận được theo các điều khoản chia sẻ doanh thu của đại lục.

Phim còn có sự góp mặt của nữ diễn viên Trung Quốc Lý Băng Băng trong vai nữ chính - điều hiếm có với các “bom tấn” Hollywood. Nhà sản xuất cũng đẩy mạnh việc quảng bá tại đất nước này. Đội ngũ êkip gồm đạo diễn Jon Turteltaub, diễn viên Jason Statham và Lý Băng Băng đã có tour giao lưu công chiếu ở 20 thành phố, tổ chức sự kiện giao lưu tại Bắc Kinh… Trung Quốc cũng là quốc gia đóng góp hơn một nửa trong tổng số doanh thu 97 triệu USD nước ngoài của phim. Đây cũng chính là lý do khiến Cá mập siêu bạo chúa nâng được doanh thu là mở rộng đối tượng khán giả.

img

Thế giới khủng long gây tranh cãi vẫn thống trị phòng vé

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.