Pháp đình

Cà Mau: Xét xử lưu động vụ đưa người sang Malaysia khai thác thủy sản trái phép

06/05/2024, 12:31

TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) vừa đưa ra xét xử lưu động vụ án tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Ngày 6/5, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), TAND huyện Trần Văn Thời tổ chức phiên tòa lưu động xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Nghệ (53 tuổi, tạm trú thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) hai năm tù giam về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Cà Mau: Xét xử lưu động vụ đưa người sang Malaysia khai thác thủy sản trái phép- Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Văn Nghệ bị tuyên phạt hai năm tù về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".

Đồng thời, Hội đồng xét xử còn tuyên tịch thu tàu cá mang số hiệu KG - 94137-TS (PAF 4860) và các tang vật liên quan đến vụ án.

Theo cáo trạng, tháng 8/2019, Lê Quốc Khánh xuất cảnh khai thác trái phép thủy sản trên vùng biển Malaysia, bị chính quyền nước này bắt giữ và phạt 6 tháng tù.

Ra tù, Khánh về Việt Nam. Thông qua Tuấn (chưa xác định nhân thân), Khánh quen Lê Thị Đẳng (tên khác Nguyễn Thùy Trang) đang sinh sống ở Malaysia.

Lúc này, Trang liên hệ thuê Khánh sang Malaysia đánh bắt thủy sản cho mình. Đồng thời, Trang nhờ Khánh tìm thuyền trưởng, ngư phủ cùng sang làm thuê cho Trang. Sau đó, Khánh giới thiệu Nghệ cho Trang.

Khi được giới thiệu, Trang liên hệ thuê Nghệ sang Malaysia làm tài công và kêu Nghệ tìm ngư phủ, mọi chi phí Trang chi trả. Trang sẽ cho mỗi ngư phủ ứng trước (khi còn ở Việt Nam) 15 triệu đồng. Sang Malaysia, Trang sẽ cho ứng tiếp 15 triệu đồng chuyển về cho gia đình.

Nghệ đồng ý và rủ Phạm Văn Út, Danh Hiền sang Malaysia đánh bắt thủy sản cho Trang. Còn Khánh rủ Đào Quốc Dương, Ngô Doãn Công, Nguyễn Chí Tâm và Nguyễn Văn Lam.

Sau đó, Trang chuyển cho Nghệ 60 triệu đồng để đưa cho Tâm, Công, Lam, Dương, Khánh, Út (mỗi người ứng 10 triệu đồng) và ba triệu đồng tiền để chở Khánh, Huỳnh Văn Lâm sang Kiên Giang gặp Lê Minh Hoàng, sửa chữa và nhận tàu KG-94137-TS. Đây là tàu cá Trang mua để Khánh, Lâm trốn sang Malaysia.

Ngày 6/2/2023, Trang chuyển thêm cho Nghệ 6 triệu đồng để thuê đò dọc chở dụng cụ đánh bắt, đồ dùng cá nhân ra tàu cá.

Ngày 8/2/2023, Lâm điều khiển tàu cá KG-94137-TS chở Khánh đi từ Kiên Giang về cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) nhận dụng cụ đánh bắt, đồ dùng cá nhân từ Nghệ.

Cà Mau: Xét xử lưu động vụ đưa người sang Malaysia khai thác thủy sản trái phép- Ảnh 2.

Rất đông người dân địa phương đến theo dõi phiên tòa xét xử lưu động.

Đến ngày 13/2/2023, Nghệ cùng Tâm, Lam, Út, Công và Dương sang Malaysia từ sân bay Tân Sơn Nhất. Đến Malaysia, cả nhóm được Trang bố trí xe đón, chở tới cảng biển EnDau, xuống tàu cá KG-94137-TS.

Trang chỉ đạo cho Khánh, Lâm sơn sửa lại tàu cá KG-94137-TS thành tàu cá PAF4860 để đi đánh bắt ở vùng biển Malaysia. Thế nhưng, trong quá trình đánh bắt, Trang không ăn chia như đã hứa, dẫn đến mâu thuẫn với Nghệ.

Ngày 24/4/2023, Nghệ điều khiển tàu cá PAF4860 cùng với Khánh, Dương, Lam, Út, Tâm, Công về vùng biển Việt Nam (riêng Lâm nhập cảnh về Việt Nam bằng đường hàng không ngày 29/5/2023).

Khi tàu cá còn cách cửa biển Sông Đốc khoảng 4 hải lý thì máy bị hư, phải neo đậu lại.

Khoảng 3h30 ngày 2/5/2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc tuần tra phát hiện, lập biên bản vụ việc.

Sau đó, vụ việc được chuyển sang cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Cà Mau.

Quá trình điều tra, cơ quan ANĐT Công an Cà Mau có quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt đối với Nghệ.

Cũng theo cáo trạng, Phạm Văn Nghệ, Lê Quốc Khánh, Đào Quốc Dương, Nguyễn Văn Lam, Phạm Văn Út, Nguyễn Chí Tâm và Ngô Doãn Công ở Malaysia làm thuê cho Trang.

Hiện, Trang còn ở Malaysia nên chưa làm việc được, không chứng minh được việc Trang tổ chức cho những người nêu trên ở lại nước ngoài trái phép và có cấu kết với Nghệ để tổ chức cho 6 người trên ở lại nước ngoài trái phép hay không. Vì vậy, cơ quan ANĐT không xử lý hình sự đối với Nghệ về hành vi tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép.

Đối với hành vi nhập cảnh trái phép về Việt Nam ngày 24/4/2023 của Phạm Văn Nghệ, Lê Quốc Khánh, Đào Quốc Dương, Nguyễn Văn Lam, Phạm Văn Út, Nguyễn Chí Tâm và Ngô Doãn Công chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cơ quan ANĐT tách ra xử lý hành chính.

Đối với Huỳnh Văn Lâm, Lê Quốc Khánh là người được Trang và Nghệ tổ chức sử dụng tàu cá KG-94137-TS trốn đi Malaysia, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, cơ quan ANĐT đã chuyển hồ sơ, cùng tang vật đến Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh Cà Mau xử lý hành chính.

Đối với Lê Minh Hoàng là người được Trang nhờ đứng tên mua và sửa chữa tàu cá KG-94137-TS, nhưng Hoàng không biết việc Trang mua, sửa chữa tàu cá để Lâm, Khánh trốn đi Malaysia. Vì vậy, không đủ căn cứ chứng minh Hoàng đồng phạm với Trang. Do đó cơ quan ANĐT không xử lý hình sự đối Hoàng.

Riêng, đối với Trang, hiện nay đang ở Malaysia, nên cơ quan ANĐT đã tách ra tiếp tục điều tra, xử lý sau.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.