Vận tải

Cách nào ngăn xe bỏ bến chạy dù?

18/07/2023, 10:00

Việc nhiều xe bỏ bến ra ngoài chạy dù gây ra nhiều hệ lụy, từ việc mất trật tự ATGT, nguy cơ gia tăng tai nạn cho đến ùn tắc tại các đô thị.

Hàng nghìn xe khách bỏ bến đi đâu?

Kỳ 1: Ồ ạt ra ngoài chạy dù

Kỳ 2: Nhà nước thất thu, bến xe lo phá sản

Tình trạng xe tuyến cố định bỏ bến chạy dù đòi hỏi cần những giải pháp mạnh để tạo môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, minh bạch.

Nhiều bất cập

img

Thanh tra giao thông quận Nam Từ Liêm kiểm tra việc chấp hành quy định lắp thiết bị GSHT trên xe kinh doanh vận tải tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội Ảnh: Tạ Hải

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho hay, theo thống kê, số lượng xe kinh doanh tuyến cố định chỉ bằng 1/12 số lượng xe hợp đồng.

Việc ngày càng nhiều xe bỏ bến ra ngoài chạy dù gây ra rất nhiều hệ lụy, từ việc mất trật tự ATGT, nguy cơ gia tăng tai nạn cho đến ùn tắc tại các đô thị.

Ông Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Thái Bình cho rằng, thực trạng này đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gián tiếp bức tử không ít nhà xe hoạt động trong bến, đẩy các bến xe vào tình cảnh lao đao.

Một lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, xe tuyến cố định đang bị cạnh tranh khốc liệt với các xe hợp đồng trá hình, đặc biệt là các tuyến có cự ly dưới 300km.

Mật độ bến xe khách tại các địa phương thấp, nhiều nơi có xu hướng di chuyển bến ra xa khu vực trung tâm.

Một bộ phận hành khách ngại di chuyển ra bến, muốn được đưa đón tận nơi, không vào bến mua vé mà đón xe dọc đường, ở các tụ điểm khiến tình hình càng trở nên phức tạp.

“Lực lượng TTGT không có quyền dừng phương tiện di chuyển trên đường dẫn đến khó khăn khi kiểm tra, xử lý; chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với hành vi tái phạm để răn đe. Việc nhồi nhét, thu tiền cao hơn giá niêm yết cũng khiến xe khách tuyến cố định mất điểm trong mắt hành khách”, vị này chỉ ra hàng loạt bất cập.

Một lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng dẫn thực tế: Thẩm quyền TTGT hạn chế nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Khi phát hiện hành vi dừng, đỗ trái phép, tài xế thường đối phó bằng cách cho xe nổ máy, ngồi tại vị trí lái, khi thấy lực lượng chức năng thì tăng ga bỏ chạy.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải thường cho người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì thông báo không cho xe vào tổ chức đón, trả khách, khi lực lượng chức năng rút thì tổ chức hoạt động trở lại.

“Đối với các khu vực, tuyến đường tập trung nhiều xe dù, Thanh tra Sở có thể chốt chặn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không đủ lực lượng để chốt chặn hết tất cả các khu vực, tuyến đường“, vị này nói.

Địa phương cần vào cuộc lập lại trật tự

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lưu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng nhìn nhận, xe hợp đồng đang vượt trội xe khách tuyến cố định vì đưa đón thuận tiện. Do đó, cần phát triển thêm các tuyến xe buýt kết nối với các bến xe và có tần suất thường xuyên, liên tục mới tạo ra thuận lợi cho khách vào bến.

Cục Đường bộ VN cho biết, đang khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, ứng dụng vào tổ chức quản lý hoạt động vận tải sau khi được Bộ GTVT phê duyệt. Từ đó hỗ trợ quản lý tốt hơn hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô, góp phần hạn chế tình trạng xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.

Cùng quan điểm, ông Trần Mạnh Hà, Phó giám đốc Bến xe Giáp Bát cho rằng, chỉ khi đến bến thuận lợi, hành khách mới từ bỏ việc bắt xe dọc đường. Hiện đơn vị đang điều chỉnh lại biểu đồ theo thực tế, nâng cao chất lượng phục vụ vận chuyển khách từ đầu bến, tăng cường tuyên truyền để hành khách thay đổi thói quen.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, thành phố đã tổ chức cấm xe giường nằm vào trung tâm 24/24h. Đồng thời lắp đặt các bảng cấm dừng, cấm đỗ tại các vị trí phương tiện thường xuyên đón trả khách sai quy định, lắp đặt camera xử phạt nguội xe vi phạm.

“Từ khi cấm xe khách giường nằm vào nội đô, giao thông ở khu vực trung tâm được cải thiện, ùn tắc thuyên giảm”, ông Hải nói.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, tình trạng hỗn loạn của thị trường vận tải khách hiện nay một phần đến từ sự lúng túng, bất lực của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

Theo ông Thanh, để hạn chế xe dù bến cóc, việc vào cuộc của chính quyền địa phương là rất cần thiết, bởi họ có công cụ và quyền hạn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần liên tục mở cao điểm kiểm tra, xử lý rốt ráo các vi phạm, buộc hành khách phải vào bến.

“Các bến xe không nên quy hoạch cách quá xa trung tâm, cần bố trí luồng tuyến hợp lý, đồng bộ các loại hình vận tải công cộng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tạo kết nối, đi lại thuận tiện cho người dân”, ông Thanh nói.

Tiếp cận ở góc độ thể chế, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho rằng, đến nay nhiều quy định tại Nghị định 10 không còn phù hợp. Các điều kiện, quản lý đối với vận tải khách theo tuyến cố định đang quá chặt chẽ, trong khi vận tải khách theo hợp đồng lại lỏng lẻo.

Vì thế, cần mở rộng quyền chủ động cho các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định và bến xe, nhất là về việc tăng giảm tần suất chạy xe trên tuyến để phù hợp cung cầu thị trường; cho phép các đơn vị tuyến cố định được xác định hành trình và vị trí các điểm dừng đón, trả khách ở những vị trí phù hợp.

Tận dụng thiết bị giám sát hành trình

Sau gần 10 năm vận hành, thiết bị GSHT lắp trên xe kinh doanh vận tải phần nào mang lại tác dụng song vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của giải pháp công nghệ này.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện việc giám sát xe kinh doanh vận tải qua hệ thống thiết bị hành trình đang gặp khó khăn do hệ thống được Cục Đường bộ VN quản lý chưa được nâng cấp để truy xuất dữ liệu. Khi chưa được nâng cấp, cần chia sẻ dữ liệu từ thiết bị GPRS cho các sở GTVT truy xuất, phục vụ kiểm tra và xử lý xe vi phạm.

Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, hiện dữ liệu từ thiết bị GSHT chưa được chia sẻ cho lực lượng TTGT, CSGT làm nhiệm vụ trên đường để đối chiếu khi kiểm tra.

Thời gian tới, Cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục báo cáo Bộ GTVT để bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác đầu tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Từ đó, sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho các sở GTVT, lực lượng TTGT, CSGT và các đơn vị có liên quan để theo dõi, kiểm tra.

Ngoài ra, các sở GTVT cũng cần chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xây dựng và duy trì kế hoạch thanh, kiểm tra hoạt động vận tải trên địa bàn, kiên quyết xử lý vi phạm.

Cùng đó, rà soát, triển khai lắp đặt biển báo cấm dừng xe và đỗ xe, hoặc cấm đỗ xe trên các đoạn đường có tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe; phối hợp với lực lượng công an và ngành thông tin - truyền thông để kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên Zalo, Facebook và các trang mạng xã hội khác.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện chưa có khái niệm hoặc quy định thế nào là điểm giao dịch đón trả khách trái phép, khiến lực lượng chức năng khó khăn trong xác định hành vi vi phạm. Từ đó, đơn vị kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn về điều kiện, tiêu chí hoặc nội dung quy định cụ thể để lực lượng chức năng có đủ cơ sở kiểm tra, xác định và xử phạt theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.