Thời sự

Cách nào tiếp tục hút vốn đầu tư BOT giao thông?

18/09/2017, 06:07

Thu hút vốn tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương cần thiết, đúng đắn.

1

Việc đưa Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả (đầu tư theo hình thức BOT) vào hoạt động rút ngắn 8km hành trình, giảm thời gian lưu thông 30 - 40 phút so với đường đèo, giảm TNGT - Ảnh: Xuân Huy

Sau khi đăng tải loạt bài: “Sự thật đầu tư BOT giao thông”, Báo Giao thông đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Bộ GTVT, nhà đầu tư về các giải pháp để tiếp tục thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thời gian tới.

3

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:

Đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân khi tham gia giao thông

Nhu cầu vốn đầu tư của ngành GTVT giai đoạn 2016-2020 cần khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách dự kiến chỉ cân đối khoảng 11%. Quan điểm của Bộ GTVT là sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực, chú trọng nguồn lực của tư nhân để đầu tư các công trình xây dựng mới.

Đối với lĩnh vực đường bộ, ưu tiên là trục cao tốc Bắc - Nam, lĩnh vực đường sắt nghiên cứu từng bước đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, lĩnh vực hàng không tập trung triển khai dự án CHK quốc tế Long Thành, lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải sẽ nghiên cứu đầu tư các bến, cảng quan trọng.

Trường hợp dự án đầu tư áp dụng hình thức hợp đồng BOT (có thu phí người sử dụng), Bộ GTVT sẽ xem xét đảm bảo quyền đi lại tối thiểu của người dân và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn khi tham gia giao thông. Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, hiệp hội vận tải và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận. Đặc biệt, các dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung và hợp đồng BOT nói riêng sẽ đều phải tiến hành sơ tuyển, đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tích cực đề xuất để cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật đầy đủ và đồng bộ làm cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thu hút nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

4

Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch

Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch:

Các dự án BOT giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh nguồn lực của nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, việc thu hút vốn tư nhân đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, các dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT đã phát huy rõ rệt hiệu quả, hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta ngày càng hoàn thiện và nâng cao, tiết giảm thời gian đi lại, giảm thiểu TNGT, thúc đẩy phát triển KT-XH… được xã hội và người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, một số dự án BOT còn tồn tại khiếm khuyết, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Các tồn tại, hạn chế này đã được Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Tôi cho rằng, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nói chung và BOT nói riêng là xu hướng bắt buộc, chứ không còn cách nào khác trong bối cảnh nước ta hiện này. Để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư các dự án BOT thời gian tới, trước hết, thông qua kết quả thanh, kiểm tra, giám sát, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xử lý ngay những bất cập, tồn tại của các dự án BOT, nếu dự án nào có tiêu cực cần xử lý nghiêm minh để tạo niềm tin cho người dân.

Theo tôi, đầu tư theo hình thức BOT, bản chất là Nhà nước ủy quyền cho nhà đầu tư được quyền thu phí. Nói nôm na là thu tiền của dân trong một thời gian nhất định căn cứ theo phương án tài chính của dự án để hoàn vốn đầu tư. Do đó, tất cả quy trình thu phí thế nào, thu bao nhiêu năm, mức giá thu ra sao phải được công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội và người dân.

Nếu chúng ta làm được như vậy, tôi khẳng định, chắc chắn thời gian tới, hình thức huy động vốn xã hội để đầu tư vào các dự án BOT giao thông sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đem lại hiệu quả lớn hơn, không còn những ý kiến trái chiều như thời gian vừa qua.

2

Hạ tầng giao thông Tây Nguyên thay đổi hoàn toàn sau khi có đường Hồ Chí Minh được xây dựng bằng hình thức BOT - Ảnh: Văn Tư

5

ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An

ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An:

Minh bạch dự án, đấu thầu công khai

Đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, thời gian tới, Bộ GTVT cần phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng mức độ cần thiết đầu tư của các công trình chuẩn bị triển khai theo hình thức BOT. Trong quá trình này, Bộ GTVT cần xem xét lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan liên quan, người dân, thông qua đó, xác định chính xác quy mô, tổng mức đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật của  các dự án. Sau đó, các thông tin về dự án cần được công khai, minh bạch rồi mới tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí rõ ràng: Tổng mức đầu tư, quy mô công trình, mức phí,…

Trước khi đấu thầu, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng năng lực của nhà đầu tư xem họ có đủ năng lực tài chính không? Kinh nghiệm quản lý đầu tư dự án thế nào?,… Tôi cho rằng, với điều kiện hiện nay, chúng ta rất dễ dàng để kiểm tra, đánh giá việc này. Tiếp theo, chúng ta cũng phải công khai số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án, hội đồng chấm thầu là ai để xã hội và người dân theo dõi, giám sát.

Về mặt pháp lý, hiện nay, các quy định về đầu tư theo hình thức BOT mới chỉ dừng ở mức nghị định, nên Chính phủ cần sớm xây dựng để Quốc hội ban hành Luật Đầu tư về đối tác công - tư để các quy định đầy đủ và chặt chẽ hơn, nhất là các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong tình hình hiện nay, chúng ta sẽ không có lựa chọn khác ngoài việc xã hội hóa đầu tư. Nếu chúng ta minh bạch, công khai và có phương pháp, thì việc xã hội hóa đầu tư, tiếp tục thu hút vốn đầu tư tham gia vào các dự án BOT giao thông thời gian tới chắc chắn sẽ thắng lợi.

6

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CIENCO4 Nguyễn Tuấn Huỳnh

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CIENCO4 Nguyễn Tuấn Huỳnh:

Lợi nhuận kỳ vọng tối thiểu của nhà đầu tư phải đạt 14%

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông, trước hết, Nhà nước cần trao quyền tự chủ và trách nhiệm quyết định trong các dự án BOT cho nhà đầu tư để họ lựa chọn những giải pháp tối ưu nhằm tăng hiệu quả dự án. Tức là, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần đưa ra các khung tiêu chuẩn cho dự án Khi đó, nhà đầu tư nào có các giải pháp thực hiện đạt các tiêu chuẩn yêu cầu và tiết kiệm hơn, nhà đầu tư đó được hưởng, còn nhà đầu tư nào làm lỗ thì phải chịu. Thời gian qua, các dự án BOT áp dụng cơ chế thực thanh, thực chi, cái nào lợi Nhà nước cắt gọt của nhà đầu tư, cái nào lỗ bắt nhà đầu tư chịu, khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.

Đồng thời, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư cũng cần được điều chỉnh tăng lên ít nhất 14%, bởi lãi suất ngân hàng hiện doanh nghiệp đi vay cũng đã lên tới gần 13%. Trong khi thời gian qua, lợi nhuận của các dự án BOT đều bị khống chế ở mức 11 - 12%/năm, như thế là rất thấp. Đồng thời, Nhà nước chỉ cần quy định tỷ lệ tối thiểu khi huy động vốn chủ sở hữu đối với từng cấp dự án, còn mức tối đa cho phép nhà đầu tự lựa chọn, chứ không nên chốt cứng.

Bên cạnh đó, việc xác định vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án cần theo hướng mở. Khi doanh nghiệp chưa biết trúng thầu dự án hay không, đương nhiên họ sẽ không tăng hay huy động thêm vốn điều lệ. Bởi, nếu tăng vốn điều lệ xong nhưng không trúng thầu sẽ tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong việc trả cổ tức cho các cổ đông. Do vậy, doanh nghiệp chỉ cần cam kết tăng vốn điều lệ khi trúng thầu dự án hoặc Nhà nước chỉ cấp phép đầu tư dự án khi doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ theo cam kết thay vì quy định chốt cứng như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.