Doanh nghiệp

Cần cơ chế thu hút đầu tư các mỏ nhỏ, cận biên

12/12/2018, 19:24

Sớm đưa mỏ nhỏ, cận biên vào khai thác là một trong các giải pháp hạn chế mức độ suy giảm sản lượng dầu.

hoi thao pvn 7.12

Hội nghị "Định hướng phát triển các mỏ nhỏ, cận biên kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam trong điều kiện hiện nay”

Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp cùng Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị "Định hướng phát triển các mỏ nhỏ, cận biên kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam trong điều kiện hiện nay".

Theo ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ: Một thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong ngành Dầu khí đó là làm thế nào để khắc phục được tình trạng suy giảm sản lượng dầu hiện nay, sớm đưa các mỏ nhỏ, cận biên vào khai thác là một trong các giải pháp hạn chế mức độ suy giảm sản lượng dầu.

Tại hội nghị, các Bộ, ban, ngành, Hội Dầu khí Việt Nam, Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị đã trao đổi thẳng thắn nhiều vần đề xoay quanh các giải pháp kỹ thuật đã, đang và sẽ áp dụng để phát triển, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên. Bên canh đó cũng kiến nghị các Bộ/ngành xem xét cải thiện các điều khoản của hợp đồng dầu khí phù hợp với tiềm năng trữ lượng còn lại; Có cơ chế giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển mỏ nhỏ, mỏ cận biên để đảm bảo duy trì sản lượng khai thác vừa hỗ trợ, tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò.

Theo báo cáo mới đây của PVN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, mặc dù có lúc giá dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp NSNN hằng năm của PVN vẫn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu NSNN và chiếm 16,5-17% tổng thu NS Trung ương. PVN cũng đóng góp khoảng 10-13% GDP của cả nước. Ngoài ra, Tập đoàn cũng có đóng góp vào bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

img
Giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, PVN đã gặp một số khó khăn trong quản trị doanh nghiệp và đầu tư phát triển. Một số chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị, ví dụ như mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí không đạt. Đây là một mục tiêu quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của PVN và quy mô phát triển của tất cả các lĩnh vực có liên quan như khai thác, công nghiệp khí, chế biến, điện, dịch vụ… Còn nhiều thách thức khác mang tính khách quan và chủ quan tác động đến sự phát triển của ngành hiện nay như tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, chúng ta chưa chủ động được công tác tìm kiếm thăm dò ở khu vực nước sâu xa bờ, giá dầu thô giảm mạnh, nguồn vốn đầu tư gặp khó khăn, hệ thống chính sách, văn bản pháp quy vừa chậm được ban hành vừa thiếu tính ổn định, thống nhất, cụ thể và minh bạch, chưa có cơ chế chấp nhận hạch toán chi phí rủi ro đối với tìm kiếm thăm dò dầu khí…

Các chính sách, công cụ bảo hộ hợp lý trong xu thế toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế sâu rộng như hàng rào kỹ thuật trong dịch vụ dầu khí… chậm được nghiên cứu bàn hành, áp dụng và thực thi. Một số khó khăn vướng mắc, kiến nghị của ngành chậm được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập, để phát triển các mỏ nhỏ cận biên cần phải áp dụng các giải pháp kỹ thuật, quản lý kinh tế để nâng cao hiệu quả dự án và đặc biệt phải có một cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các nhà đầu tư tập trung vào việc phát triển các mỏ nhỏ, cận biên về kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Mặc dù PVN được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong triển khai nghiên cứu và trình các giải pháp khuyến khích ưu đãi để phát triển mỏ nhỏ, cận biên.

Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được sự đồng thuận của các Bộ khác do chính sách ưu đãi đề xuất chưa phù hợp với các luật khác, đặc biệt là các điều khoản về thuế. Tập đoàn sẽ tiếp tục bám sát hơn nữa trong việc giải trình để các Bộ liên quan ủng hộ và báo cáo Chính phủ, Thường vụ Quốc Hội sớm xem xét chấp nhận các cơ chế chính phù hợp hơn với thực trạng tiềm năng và cơ cấu trữ lượng Dầu khí của Việt Nam hiện nay nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực Dầu khí nói chung và phát triển mỏ nhỏ, cận biên nói riêng.

Qua đây, ông Thập cũng yêu cầu Vietsovpetro, PVEP, BPOC, VPI cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành và nâng cao hệ số thu hồi để có thể đưa các mỏ nhỏ cận biên vào khai thác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.