Tài chính

Cần hoàn thiện pháp lý chống rửa tiền qua tiền ảo

20/12/2023, 20:57

Blockchain mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, song cũng tạo ra thách thức đối với công tác quản lý hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.

Rửa tiền xuyên biên giới qua tiền ảo

Theo báo cáo của Công ty Tư vấn kinh doanh Grand View Research, thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022-2030.

Nhiều ý kiến cho rằng sự tăng trưởng mạnh mẽ này ngoài mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế - xã hội, còn tạo ra thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.


Cần hoàn thiện pháp lý chống rửa tiền qua tiền ảo - Ảnh 1.

Theo Văn phòng ma túy và tội phạm trực thuộc Liên Hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800-2.000 tỷ USD.

Việt Nam đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi. Trong đó, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng tại Việt Nam nhưng khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Ông Phan Đức Trung cho biết theo số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chia sẻ gần đây trong một chương trình tập huấn tại TAND Tối cao Việt Nam vào cuối tháng 8/2023, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 đến 10/2022 là 90,8 tỉ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Ông Phan Đức Trung cho rằng xét theo địa chỉ truy cập mạng internet, nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ trong vòng 1 năm từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

PGS.TS Nhữ Trọng Bách, Phó giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, nhìn nhận hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện nay phức tạp gia tăng theo thời gian cả về quy mô, số lượng, đặc biệt hình thức rửa tiền mới đã xuất hiện như tài sản ảo, tiền ảo, sàn giao dịch ảo… nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.

Hoàn thiện pháp lý quản lý tiền ảo

Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự. Như về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận.

Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá, các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học cách phân loại tài sản này theo quy tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế…

Các định chế tài chính nên xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hóa đối với các tài khoản cá nhân. Ngoài ra, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kiến nghị cần có nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao.

Đồng thời các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chú trọng tới đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền điện tử kỹ thuật số. Tận dụng thế mạnh của công nghệ đằng sau loại tiền này, thay vì tập trung nhiều vào việc thắt chặt.

Cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa, bảo mật và nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.

Ngân hàng nhà nước nói gì về thông tin cấp phép sàn giao dịch tiền ảo?Ngân hàng nhà nước nói gì về thông tin cấp phép sàn giao dịch tiền ảo?

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN trong cuộc họp báo ngày 1/4 đã thông tin về việc cấp phép sàn giao dịch tiền ảo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.