Đời sống

Cần làm gì để mọi người dân đều có quyền, cơ hội tiếp cận chính sách BHXH?

21/10/2019, 09:14

Để thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân cần phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng...

img
Nhiều thay đổi trong chính sách BHXH từ năm 2020

Thay đổi trong chính sách BHXH năm 2020

Tại cuộc tọa đàm mới đây về "Những lợi ích khi tham gia BHXH", bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) chia sẻ, Luật BHXH 2014 đã có hiệu lực từ năm 2016 và có một số thay đổi so với các quy định trước đây.

Cụ thể, từ năm 2020 trở đi, lao động nam đủ 55 tuổi và lao động nữ đủ 50 tuổi mà suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động (hiện lao động nam 54 tuổi và lao động nữ 49 tuổi)- tức là sang năm tới sẽ phải tăng thêm một tuổi nữa mới được nghỉ hưu sớm khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Bên cạnh đó, những người bắt đầu tham gia BHXH thuộc chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vào năm 2020 cho đến năm 2024, sau này khi đủ điều kiện tính hưởng chế độ thì cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của họ sẽ là tính bình quân tiền lương của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Trước ý kiến về nhận lương hưu bị thiệt thòi sau mỗi lần Nhà nước điều chỉnh tiền lương, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật BHXH 2014 đã quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Những năm qua, lương hưu thường được điều chỉnh tăng cùng với tốc độ tăng tiền lương của người tại chức (tăng cùng tỉ lệ tăng lương cơ sở). Vì vậy, việc thực hiện điều chỉnh này cao hơn rất nhiều so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và chính sách điều chỉnh lương hưu hiện nay có lợi cho NLĐ.

Mức lương hưu của người nghỉ hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng góp của NLĐ. Khi lạm phát, mất giá đồng tiền, thì người có mức lương hưu cao sẽ bị mất nhiều hơn do giảm giá trị đồng tiền. Nếu điều chỉnh lương hưu trên cơ sở yếu tố về chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, thì điều chỉnh theo tỉ lệ là hoàn toàn phù hợp...

Hướng tới BHXH toàn dân

Một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách BHXH được đề cập đến tại Nghị quyết Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII là “Cải cách chính sách BHXH để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”.

Về khái niệm “BHXH toàn dân”, theo ông Trần Hải Nam, trước hết cần được hiểu không phải là toàn dân tham gia BHXH, mà “BHXH toàn dân” là mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tiếp cận chính sách BHXH khi bước vào độ tuổi lao động; đều được hưởng chính sách về hưu trí khi tuổi già.

Để thực hiện mục tiêu trên, Trung ương cũng đã đề ra quan điểm chỉ đạo đó là phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng,… hướng tới bao phủ toàn dân” và được cụ thể hóa tại nội dung cải cách chính sách.

Theo đó, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với việc: Thứ nhất, phát triển và hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH cơ bản dựa trên đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động.

Thứ hai, thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội thông qua việc thực hiện chính sách trợ cấp cho người cao tuổi từ nguồn ngân sách nhà nước (đối với những người không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng).

Thứ ba, hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Như vậy, để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH để mở rộng diện bao phủ BHXH ở hệ thống chính sách BHXH cơ bản; thực hiện lộ trình điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.

Liên quan đến công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH, ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: "Phát triển đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và ngành BHXH rất quan tâm đến công tác này. Thời gian qua, số người tham gia BHXH tăng hàng năm, hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu tính 5 năm trở lại đây, từ năm 2014, số người tham gia BHXH tăng bình quân hơn 5,8%/năm. Tính đến tháng 9/2019, tổng số người tham gia BHXH là hơn 15.200.000 người, trong đó có hơn 14.700.000 người tham gia BHXH bắt buộc- tăng hơn 2,2% so với năm 2018; BHXH tự nguyện có hơn 463.000 người..."

Cùng đó, Nghị quyết 102 của Chính phủ đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương- đây là một trong những nhiệm vụ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, nhằm phát huy sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Giai đoạn 2019-2020 giao UBND các tỉnh tự xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH; còn từ năm 2021 trở đi Chính phủ sẽ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh cải cách TTHC, phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đẩy mạnh khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.