Đường sắt

Cần phân loại rõ tài sản, tính đúng giá thuê hạ tầng đường sắt

24/01/2024, 06:00

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định phân loại rõ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để tính phí sử dụng, giá cho thuê, nâng cao hiệu quả khai thác.

Năng lực, hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thấp

Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất chính sách quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó phân loại rõ tài sản để phù hợp với thực tiễn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện năng lực và hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản được Nhà nước giao do cơ chế khai thác chưa gắn với thị trường. Đơn cử, năm 2022, thu nộp ngân sách nhà nước phí sử dụng và cho thuê sử dụng KCHT đường sắt quốc gia là 240,721 tỷ đồng/tổng giá trị tài sản KCHT đường sắt quốc gia là hơn 16.000 tỷ đồng.

Cần phân loại rõ tài sản, tính đúng giá thuê hạ tầng đường sắt- Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất chính sách quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó phân loại rõ tài sản để phù hợp với thực tiễn (Ảnh: minh họa).

Mặt khác, quy định về phân loại tài sản KCHT đường sắt chưa phù hợp với thực tiễn nên việc quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn… Luật Đường sắt 2017 quy định phân loại tài sản KCHT đường sắt gồm: Tài sản KCHT đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và tài sản KCHT đường sắt không trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số loại tài sản không có cơ sở để phân biệt được trực tiếp hoặc không trực tiếp phục vụ chạy tàu như: Đường bộ trong ga, kho và bãi chứa hàng...

Luật Đường sắt 2017 cũng chưa có các quy định về: Cơ chế sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để mở rộng, nâng cấp KCHT đường sắt quốc gia; Về đầu tư, quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt vùng.

Cùng đó, chưa xác định rõ đường bộ vào ga chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt thuộc tài sản KCHT đường sắt quốc gia nên không được bố trí kinh phí quản lý, bảo trì. Điều này dẫn đến chất lượng đường bộ kém, nhiều vị trí đường bộ vào ga bị lấn chiếm ảnh hưởng đến việc đi lại của khách hàng và giải tỏa hàng hóa, giảm cạnh tranh của vận tải đường sắt và lãng phí kết cấu hạ tầng đường sắt.

Liên quan đến đất dành cho đường sắt, hiện phần lớn đất dành cho đường sắt tại các khu ga đang được quản lý ranh giới theo hồ sơ vì chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ; hành lang ATGT đường sắt chưa có điều kiện xác định ranh giới, cắm mốc giới nên thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng gây mất trật tự ATGT đường sắt.

Phân loại tài sản, tính đúng, tính đủ giá cho thuê hạ tầng

Từ thực tiễn này, Bộ GTVT đề xuất chính sách về quản lý, khai thác KCHT đường sắt, nhằm thống nhất quy định quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt của Luật Đường sắt (sửa đổi) với quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nâng cao hiệu quả quản lý đất dành cho đường sắt. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng và khai thác tài sản cho phù hợp tính chất đặc thù của tài sản KCHT đường sắt.

Cần phân loại rõ tài sản, tính đúng giá thuê hạ tầng đường sắt- Ảnh 2.

Bộ GTVT đề xuất phân loại tài sản hạ tầng đường sắt theo nguồn gốc hình thành tài sản, công năng nhằm xác định rõ phí sử dụng, giá cho thuê KCHT đường sắt để đảm bảo minh bạch, tính đúng, tính đủ (Ảnh: Kho ga Giáp Bát là tài sản hạ tầng đường sắt, Nhà nước cho thuê).

Theo đó, sửa đổi quy định về đất đường sắt bảo đảm thống nhất với nội dung Luật Đất đai (sửa đổi). Bổ sung quy định về cơ chế để bố trí kinh phí tổ chức thực hiện xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt; thực hiện cắm mốc, khôi phục mốc giới đất dành cho đường sắt... làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đường sắt. Bổ sung quy định đối với các dự án đường sắt xây dựng mới có tốc độ khai thác từ 120km/h trở lên phải xây dựng hàng rào bảo vệ. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành khai thác, tránh lấn chiếm.

Về quản lý, khai thác tài sản, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại tài sản KCHT đường sắt cho phù hợp với thực tiễn: Phân loại tài sản KCHT đường sắt (quốc gia/đô thị) theo nguồn gốc hình thành tài sản (gồm tài sản do nhà nước đầu tư và tài sản do doanh nghiệp đầu tư) và công năng, mục đích sử dụng (gồm tài sản KCHT đường sắt phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt và tài sản KCHT đường sắt không phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt).

Cùng đó, bổ sung quy định cơ chế khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt được giao quản lý tài sản KCHT đường sắt quốc gia không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về giao một số hạng mục tài sản KCHT đường sắt quốc gia (khu ga, bãi hàng...) cho doanh nghiệp theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bổ sung quy định đường bộ kết nối vào ga đường sắt chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt là tài sản KCHT đường sắt. Sửa đổi quy định rõ đối tượng được giao quản lý tài sản KCHT đường sắt đối với các tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng mới và đối với đường sắt hiện hữu.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc phân loại tài sản KCHT đường sắt theo nguồn gốc hình thành và công năng, mục đích sử dụng nhằm xác định rõ phí sử dụng, giá cho thuê KCHT đường sắt để đảm bảo minh bạch, tính đúng, tính đủ, không thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước; nâng cao hiệu quả khai thác tài sản KCHT đường sắt và hoạt động kinh doanh đường sắt.

Đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP đường sắtĐề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP đường sắt

Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước dự án đầu tư đường sắt theo hình thức PPP không quá 80% tổng mức đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.