Xã hội

Cần Thơ: Dân phải chi trăm triệu nếu muốn dời cột điện trước nhà?

12/10/2022, 09:11

Một số người dân ở Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, muốn di dời cột điện trước nhà, họ phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Dời trụ điện giá trăm triệu?

Một buổi sáng tháng 9, tại sân nhà của ông V.V.M., nằm mặt tiền đường tỉnh 926 (ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) có mặt 4 công nhân, một số mặc áo của Công ty Xây lắp điện Q.T. đang lúi húi lắp 1 trụ điện trung thế mới.

Trụ này cách trụ trung thế hiện hữu khoảng 5m, gần với tim đường hơn, nằm sát hàng rào nhà ông M. Còn trụ cũ nằm trong sân, sát nhà ông M., lấn vào đường ra gian nhà sau.

img

Công nhân lắp trụ điện mới để chuẩn bị tháo dỡ trụ điện cũ tại nhà ông M. trên ĐT926.

Theo ông M., vị trí trồng trụ mới vẫn nằm trong phần đất nhà của ông, không dính vào hành lang lộ giới (8m tính từ tim lộ). Ông M. cho biết, khi thương lượng để dời trụ trung thế này để khỏi vướng đường vào nhà, ông phải bỏ ra trọn gói 55 triệu đồng.

Sau đó, phía nhân viên điện lực mà ông liên hệ cho người xuống lắp sẵn một trụ điện mới, hẹn khi nào có lịch cắt điện sẽ xuống dời đường dây, tháo bỏ trụ điện cũ. Trong vụ này, ông M. đã trả cho một người tên H. số tiền 55 triệu đồng, và hoàn toàn không có giấy tờ hợp đồng hoặc biên nhận.

img

Một trụ điện nằm trong nhà dân trên ĐT926.

Còn 1 hộ dân ở ngay dốc cầu Cây Cẩm, giáp đường tỉnh 926 (thuộc xã Nhơn Ái) kể: “Miếng đất này tui mua lại từ chủ cũ, bị dính cây cột điện nằm trong sân. Qua các mối quan hệ, tui được giới thiệu gặp một nhân viên Điện lực huyện Phong Điền với tên thường gọi là M. Sau khi thỏa thuận các bên thống nhất sẽ di dời trụ điện trong sân nhà với giá lên tới 200 triệu đồng. Họ hẹn ít bữa sau vào di dời, xong việc thì đưa tiền, khỏi giấy tờ gì hết”.

Tuy nhiên, đến sáng 10/10, lưới điện trung thế vẫn chưa dời sang trụ mới, ở nhà ông M. và tại khu đất sát cầu Cây Cẩm, các trụ mới được lắp vẫn nằm đó. Theo nguồn tin của PV, Điện lực Phong Điền chưa tiếp nhận hồ sơ xin dời trụ của 2 hộ này.

img

Trụ mới (phía trong) đã trồng, nhưng đến sáng 7/10, dây điện vẫn chưa được di dời sang trụ mới tại khu đất ngay dốc cầu Cây Cẩm.

Dời cột thành công, hợp đồng bằng… miệng?

Theo tìm hiểu của PV, trước đây, cơ sở hạ tầng ở Phong Điền rất khó khăn. Hệ thống lưới điện cũng như các cột điện đã có từ lúc đường sá chỉ là những lối mòn nhỏ hẹp, lưới điện trung thế thường đi sát với các tuyến đường.

Sau này, một số tuyến đường như đường tỉnh 926, 918 được xây dựng, mở rộng, cư dân ùn ùn mua đất, cất nhà ra mặt tiền. Trong đó nhiều trường hợp cất nhà, hoặc mua đất cất nhà nằm trong phạm vi đã lắp trụ điện trung thế. Sau thời gian, những trụ điện này đã trở thành “chướng ngại vật” nằm ở trước nhà, gây khó khăn trong cuộc sống người dân. Từ đó, họ tìm cách để di dời trụ điện.

img

Hình ảnh trụ điện nằm trong đất của dân ở khu vực ngay dốc cầu Cây Cẩm, thuộc ĐT926. Phía trong là các trụ mới đã được trồng, chờ dời đường dây sang.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến một cơ sở sấy lúa nằm gần chợ Cầu Nhím (xã Tân Thới, huyện Phong Điền).

Chủ cơ sở cho biết, dạo trước trong cơ sở bị dính 1 trụ điện gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nên gia đình đã nhờ Điện lực huyện Phong Điền di dời.

"Họ nhổ trụ điện cũ, rồi trồng lại trụ điện mới cũng trên diện tích đất của nhà tui, với chi phí 160 triệu đồng. Mọi thứ đều do đôi bên thỏa thuận, rồi tự “hợp đồng” với nhau để thống nhất việc thực hiện”, chủ cơ sở nói.

img

Trụ mới (bên ngoài) và trụ trung thế cũ tại nhà ông M.

Theo điều tra của PV Báo Giao thông, tại Điện lực huyện Phong Điền có 1 nhân viên là Ng.V.L. (thường gọi là M.), nhân viên Đội Quản lý vận hành thường đứng ra nhận các hợp đồng dời trụ điện. Sau đó, người này bàn với đội để đề xuất hoặc "nương" theo lịch cắt điện của Điện lực Phong Điền, để dời các trụ điện trung thế.

Nhưng nếu nương theo lịch cắt điện, bản thân các nhân viên khó mà làm, do nếu không có sự cố lưới điện, có khi 1 xã cả năm không bị cắt điện. Làm sao khách có thể chờ? Và điều ngẫu nhiên, khi khách hàng đã giao tiền, không bao lâu sẽ có lịch cắt điện ở khu vực đó...

Việc trồng trụ mới có thể thuê các công ty tư nhân bên ngoài làm. Nhưng khi dời dây điện, theo quy định phải là người của điện lực làm.

Và các "hợp đồng" này không được báo cáo cơ quan, lưu sổ sách, ký hợp đồng, phát hành phiếu thu.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo quy định hiện hành, tại một số khu vực, các trụ điện đã có, cũng như được cấp phép xây dựng từ trước khi hình thành các khu dân cư, nhà dân nên sau này, người dân muốn di dời trụ điện thì phải tự bỏ ra chi phí.

Tuy nhiên, việc này bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể, nếu người dân muốn di dời trụ điện thì sẽ liên hệ với điện lực. Sau đó, điện lực sẽ cho người xuống khảo sát, lập bảng chi phí dự toán, bảng vẽ thi công, trình lãnh đạo phê duyệt… Việc di dời bắt buộc phải có hợp đồng giữa điện lực và người dân. Ngoài ra, khi nhận tiền cũng bắt buộc phải có phiếu thu, chi.

Ngay cả khi người dân liên hệ với công ty tư nhân bên ngoài để di dời, thì điện lực cũng phải có liên quan, vì sẽ cắt điện trong vùng bị ảnh hưởng của quá trình di dời.

Trong khi tại huyện Phong Điền, theo phản ánh của người dân, nhiều trường hợp di dời đều không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Xong việc thì người dân trả tiền.

Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền, cho biết, theo quy định, việc di dời các trụ điện phải đảm bảo hành lang an toàn lộ giới. Qua rà soát, kiểm tra trên địa bàn huyện chưa có trường hợp vi phạm. Còn chuyện có làm hợp đồng hay không, theo ông, là thỏa thuận giữa người dân và nhân viên điện lực.

Trao đổi với PV Giao Thông, ông Phan Trọng Trang, Giám đốc Điện lực Phong Điền, cho hay: “Không chỉ riêng việc di dời trụ điện, mà nếu người dân có nhu cầu khác nằm trong chức năng của ngành điện, chúng tôi đều sẽ đáp ứng theo quy định.

Riêng đối với vấn đề báo chí phản ánh, vừa qua, Điện lực TP Cần Thơ cũng đã nắm được vấn đề này, và chỉ đạo Điện lực huyện Phong Điền có báo cáo cụ thể. Hiện chúng tôi đang làm báo cáo, khi có thông tin sẽ phản hồi cho báo chí”.

Đến ngày 10/10, ông Trang cho biết qua kiểm tra ban đầu đã xác định có sai phạm. Nhưng mức độ, nhân viên sai phạm cụ thể sẽ thông tin sau.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi sẽ cho rà soát lại việc này, vì việc di dời trụ điện, theo quy định phải đúng định mức kỹ thuật. Chẳng hạn như tại một số tuyến cao tốc không thể di dời trụ điện được, việc di dời còn phải tùy thuộc vào tuyến đường, khu vực...".

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn huyện Phong Điền có rất nhiều trường hợp người dân có trụ điện nằm trong sân, hoặc án ngữ ngay trước nhà. Nhiều nhất là dọc hai bên ĐT926. Ngoài ra tình trạng này còn xuất hiện tai nhiều khu vực khác.

Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP hành vi sau lắp đặt, sửa chữa, di dời công trình điện mà không thỏa thuận với chủ tài sản công trình điện hoặc đơn vị quản lý, vận hành công trình điện; Tự ý lắp đặt hệ thống đường dây, trạm điện, các thiết bị điện ngoài phạm vi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng.

Liên quan việc liệu khi đổ bể, các nhân viên điện lực có thể "bắt tay" làm lại hợp đồng, biên nhận để hợp thức hóa các hợp đồng bỏ túi riêng hay không, một kế toán cho biết: "Có thể, nếu họ thương lượng được với khách hàng, và nộp trả lại tiền cho ngành Điện lực. Tuy nhiên, đối chiếu với ngày di dời, sổ quỹ kết toán của điện lực ngày hôm đó thì sẽ lòi ra ngay, vì cộng sổ quỹ hàng ngày, báo về trên nên không thể thay đổi".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.