Xã hội

Cần xét yếu tố đặc thù để không sáp nhập quận Hoàn Kiếm

02/08/2023, 17:04

Đó là ý kiến của các chuyên gia lịch sử, văn hóa, kiến trúc sư trước thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập.

Quận Hoàn Kiếm có yếu tố đặc thù

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập.

Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi quận Hoàn Kiếm vốn được coi là trái tim của Thủ đô, là vùng đất mang đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội.
img

PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, việc tính toán sáp nhập quận Hoàn Kiếm phải rất thận trọng và tính tới các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa.

Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định, đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp:

Đó là, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề. Có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.

Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bởi về giá trị lịch sử, quận Hoàn Kiếm có hồ Hoàn Kiếm, địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Hà Nội và cả nước. Bên cạnh đó còn có quần thể Tháp Bút, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ… Đó đều là những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang đầy ý nghĩa của Thủ đô.

Không những thế, quận Hoàn Kiếm còn có 36 phố phường với lịch sử nghìn năm văn hiến và nhiều công trình nổi tiếng như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn. Quận Hoàn Kiếm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô, có giá trị kiến trúc đô thị với những phố cổ nổi tiếng.

Theo ông Trung, tại Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 cũng quy định về các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính quy định. Đó là những địa phương có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

"Xét về yếu tố diện tích và dân số thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập, nhưng xét về văn hóa, lịch sử, thì cần cho Hoàn Kiếm cơ chế đặc thù để không bị sáp nhập", ông Trung đề xuất.

Cùng chung quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội cho biết, Hoàn Kiếm là quận đặc thù của Thủ đô và không nên lấy tiêu chí chung để làm lý do sáp nhập.

img

Nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội.

"Thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập khiến người dân ở Hà Nội đều ngỡ ngàng, những nhà khoa học và các hội nghề nghiệp cũng đều ngỡ ngàng. Với quận Hoàn Kiếm, đừng máy móc nhìn vào tiêu chuẩn bao nhiêu km2, bao nhiêu dân", ông Quốc bày tỏ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đề nghị, với chủ trương này, cần cân nhắc kỹ càng, lấy ý kiến người dân, bởi địa phương đặc thù thì có thể áp dụng cơ chế đặc thù để không bị sáp nhập.

Không đơn giản như việc sáp nhập hai trường với nhau

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Diệu Oanh, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, theo các tiêu chí theo Nghị quyết số 35, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, Thủ đô có chính quyền đô thị, quận Hoàn Kiếm lại có những đặc thù riêng.

img

Thông tin quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thuộc diện phải sáp nhập được dư luận cả nước quan tâm.

Do đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính tại Thủ đô phải tính đến quy hoạch của phố cổ, quy hoạch phố cũ từ thời Pháp, tính đến các yếu tố này để thuận lợi về giao thương, điều kiện văn hóa và đặc biệt là việc sinh sống của người dân.

Nhấn mạnh việc sắp xếp không thể nằm ngoài chủ trương theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng cần phải tính đến yếu tố cụ thể và yếu tố đặc thù, bà Oanh cho rằng, sáp nhập quận Hoàn Kiếm không đơn giản như việc sáp nhập hai trường với nhau, mà sáp nhập hai trường với nhau lấy tên gì đã là một sự bàn luận lớn.

"Bây giờ sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận bên cạnh thì lấy tên quận nào cũng là cả một vấn đề đặt ra vì Hoàn Kiếm là quận lâu đời lại là trung tâm của Thủ đô, nên phải cân nhắc rất kỹ", bà Diệu Oanh nói.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.